Di tích lịch sử, văn hóa

Di tích lịch sử Chùa Sắc Tứ Tam Bảo


Nằm ở số 03 Sư Thiện Ân, phường Vĩnh Bảo, thành phố Rạch Giá. Theo trục lộ chính từ Rạch Sỏi về thành phố Rạch Giá, qua cổng Tam Quan khoảng 500m, thấy một tấm bảng đề “Sắc Tứ Tam Bảo Tự”. Từ cổng đi theo con đường nhỏ độ 80m thì gặp Chùa Tam Bảo (Sắc tứ Tam Bảo Tự) nơi được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số 191-VH/QĐ, 22/3/1988.

Vào cuối thế kỷ XVIII, một phật tử tại Rạch Giá là bà Dương Thị Oán (Bà Hoặng) đứng ra xây dựng một ngôi chùa và đặt tên hiệu là chùa Tam Bảo. Tương truyền, trong những năm chiến tranh với nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã từng có thời gian tạm lánh tại chùa và được nhà chùa giúp đỡ nên sau khi lên ngôi, Gia Long đã ban sắc tứ cho chùa vào năm 1803. Từ đó, chùa được gọi là Sắc tứ Tam bảo.

Chùa Tam Bảo còn là nơi gắn liền với cuộc đời sự nghiệp tu hành của  hòa thượng Trí Thiền (thế danh Nguyễn Văn Đồng; vì thế chùa còn có tên gọi là chùa ông Đồng); là trụ sở, tòa soạn của Tạp chí Tiến hóa của Hội Phật học kiêm tế; là địa điểm liên lạc của Liên tỉnh ủy Hậu Giang và là nơi cất giấu vũ khí tự tạo, tài liệu truyền đơn chuẩn bị cho Nam kỳ khởi nghĩa.

Ngày nay chùa là Văn phòng Ban trị sự tỉnh hội phật giáo Kiên Giang và là nơi sinh hoạt Phật sự của tỉnh.

Chùa sắc tứ Tam Bảo là một di sản văn hóa quý báu của tỉnh Kiên Giang không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử mà những tác phẩm độc đáo của nghệ thuật chạm khắc gỗ như lưỡng long chầu nguyệt, song phụng triều châu, bát tiên và quần thể tượng gỗ Phật Di Lặc, Chuẩn Đề, Địa Tạng, Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Thế Âm…của 80 năm trước còn được lưu giữ nguyên trạng.

(Nguồn Sở VVTT&DL Kiên Giang)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *