Di tích lịch sử, văn hóa

Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Bảo Tàng

Nhắc đến cái tên Nhà Bảo tàng, ai cũng biết đó là nơi dùng để trưng bày hiện vật bảo tàng nhưng có rất ít người biết rằng đây là một di tích có kiến trúc nghệ thuật dân dụng đẹp, cổ kính duy nhất của địa chủ phong kiến còn sót lại, được bảo quản, tôn tạo và lưu giữ cho đến ngày nay ở Kiên Giang tọa lạc tại số 27 Nguyễn Văn Trỗi, phường Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá, Kiên Giang.

Ngoài tên gọi Nhà bảo tàng thì nó còn có rất nhiều tên gọi khác nhau: nhà Ông Ba Chiêu, Cái Nhà Lớn, nhà trưng bày hiện vật Bảo tàng tỉnh Kiên Giang.

Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà bảo tàng là Trần Nhuệ, ông là người có công xây dựng “Cái Nhà Lớn”.

Trần Nhuệ sinh ra Trần Quang Chiêu (thứ ba) là người thừa hưởng ngôi nhà do đó nó còn có tên gọi là nhà ông Ba Chiêu.

Ngôi nhà được khởi công xây dựng năm 1911 khánh thành năm 1920 với diện tích khoảng 2000m2 bao gồm từ đường (3 gian hai chái), nhà bếp, nhà ở, sân Thiên Tĩnh. Từ đường được xây dựng theo kiểu kết cấu khung, bằng gỗ đỏ và căm xe. …. Đất đắp nền lấy ở biển về chở bằng xe con rùa và dùng đá kè để làm móng; thời gian hoàn thành xong nền nhà mất 3 năm. Ngôi nhà tiến hành liên tục trong 10 năm với đội ngũ thợ xây, thợ mộc được đón từ Gia Định về; thợ chạm khắc đều là thợ giỏi đón từ Miền Bắc về; nguyên vật liệu xây dựng như gỗ, gạch, ngói đều mua từ Miền Đông.

Năm 1946 thực dân Pháp đánh chiếm Rạch Giá chiếm luôn cả ngôi nhà sau đó Tòa án Tỉnh chiếm dụng trong 6 năm liền. Đến 1970–1973, đoàn cố vấn Mỹ ở RG đã mướn ngôi nhà này để làm Sở Mỹ (thực chất nơi đây là nơi Mỹ dùng để nhậu nhẹt, khiêu vũ). Từ 1973-1975 gia đình cho công ty Đông lạnh ở Rạch Sỏi mướn làm văn phòng của Công ty. Sau ngày giải phóng 1975, ngôi nhà thuộc nhà Nước quản lý, được tỉnh hội Phụ nữ Kiên Giang sử dụng làm cơ quan trong một thời gian ngắn, rồi giao cho đoàn văn công thuộc Ty văn hoá Thông tin làm trụ sở. Cuối cùng giao cho Bảo tàng Kiên Giang làm nơi trưng bày cho đến nay.

Được xây dựng vào thời kỳ Pháp xâm lược và chiếm đóng nên ngôi nhà có kiến trúc vừa cổ kính vừa hiện đại “nửa Tây nửa Ta”. Bên trong có kiến trúc  theo kiểu nhà cổ, bên ngoài được xây dựng theo kiểu nhà hộp trang trí hoa văn theo lối kiến trúc của người phương Tây.

Đây là loại hình di tích kiến trúc có không gian mang giá trị thẩm mỹ cao, với những mảng chạm khắc điêu luyện tinh tế và mang đậm xu thế hướng nội, cố vươn tới sự hòa nhập với thiên nhiên để tạo nên một tổng thể hoàn chỉnh; mọi cái hay, cuốn hút đều tập trung vào kiến trúc nội thất, các mảng trang trí chạm khắc với đề tài chủ đạo có nội dung hướng về đời sống thế tục. Hoa văn trang trí đủ các loại từ hoa (tùng, trúc, cúc, mai), chim (dơi, công, phượng, trĩ..), quả (đu đủ, nho, lựu..), các loại dây leo cho đến thú vật (hươu, nai..)

Đây là một địa điểm tham quan, du lịch lý tưởng không chỉ về mặt giá trị kiến trúc nghệ thuật, lịch sử của ngôi nhà mà còn là nơi để tham quan các hiện vật bảo tàng. Di tích được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tại Quyết định số 993-QĐ, 28/9/1990

(Nguồn Sở VVTT&DL Kiên Giang)

 


Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *