Di tích lịch sử, văn hóa

Di tích danh thắng Đá Chồng Định Quán

Khu danh thắng Đá Chồng Định Quán được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia theo Quyết định số 1288/VH-QĐ ngày 16 tháng 11 năm 1988. Quần thể Đá Chồng Định Quán nằm giữa khu dân cư sầm uất thuộc thị trấn Định Quán, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, ngay bên Quốc lộ 20 huyết mạch, nối liền cao nguyên Bảo Lộc, Lâm Đồng với đồng bằng Nam bộ. Từ ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai) rẽ phải theo Quốc lộ 20 hướng về phía Đà Lạt khoảng 50 km ta sẽ gặp một quần thể đá xếp chồng lên nhau rất đẹp và kỳ lạ. Đó là khu danh thắng Đá Chồng.

Trèo lên đỉnh Đá Chồng, qua cheo leo hiểm trở, bạn sẽ có dịp mở rộng tầm nhìn bao quát toàn cảnh. Một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú đa dạng đến tuyệt vời. Giữa chập chùng những núi lửa miệng phễu hình ê líp nghiêng nghiêng, in dấu dòng dung nham nay đã trở thành những ốc đảo xanh tươi với các loại cây nhiệt đới. Xa xa những thung lũng mênh mông thẳm thẳm xanh mượt, lấp lánh những hồ nước và cả những dãy suối uốn lượn uyển chuyển dưới chân đồi.

Vẻ đẹp kỳ thú của Hòn Ba Chồng, Núi Đá Voi, Hòn Dĩa, cùng với ngôi chùa thiên nhiên dưới chân núi đá là những cụm tiêu biểu tạo thành cảnh đẹp hài hòa cho khu danh thắng Đá Chồng. Với ba hòn chồng lên nhau khá chông chênh, độ cao 36 m so với mặt đường, hòn đá dưới cùng lớn gấp đôi hòn đá nằm trên, hòn trên cùng nằm chia ra phân nửa tưởng chừng như muốn đổ xuống bất kỳ lúc nào.

Về phía Tây Bắc của quần thể Đá Chồng là cụm núi có hình dạng rất độc đáo. Hòn Dĩa thuộc cụm núi này với hình thù của hình chữ nhật không đều, một đầu to, một đầu nhỏ nhưng nằm trên một tảng đá nhỏ hơn rất nhiều, với độ cao hơn 43 m so với mặt đất. Cụm núi có nhiều đá tảng cồng kềnh vào nhau, lại thêm cây cối mọc um tùm tạo nên những hang động đầy vẻ huyền bí, tựa như cây và đá tìm mọi cách để vươn lên tìm hơi thở sinh tồn. Núi đá (nhân dân còn gọi là núi Bạch Tượng) nằm về phía Tây Nam khu danh thắng, sau chùa Thiện Chơn 10 m. Nó có hình như hai con voi lớn nằm cạnh nhau. Trên đỉnh của hòn đá Voi là voi đực có tượng Phật Thích ca khổng lồ nhìn về hướng đông được xây và đặt vào những năm đầu thập niên 70. Hòn đá kế bên gọi là voi cái. Dưới chân voi đực có hang Bạch Hổ với tích tương truyền rằng “Xưa kia, khi rừng rậm còn nhiều, có một cặp hổ trắng về ẩn tại núi Đá Voi. Đặc biệt là cặp chúa sơn lâm này không bắt người ăn thịt mà thường xuống nghe tụng kinh ở chùa Thiện Chơn. Sau này rừng bị phá, cặp hổ bỏ đi. Nhân dân cho là hổ thần nên đặt là Hang Bạch Hổ”. Từ hang Bạch Hổ có một con đường nhỏ (bậc tam cấp), do con người tạo nên uốn theo núi đá voi đực đến với tượng Phật. Hàng triệu năm qua, đá vẫn lặng im không nói, như chính nó đã chở che cho con người cổ đã một thời sống trong hang động, rừng rậm. Ngày nay, với vẻ đẹp kỳ diệu, quần thể đá chồng là một cảnh quan tuyệt đẹp được thiên nhiên ưu đãi cho con người. Quần thể Đá Chồng Định Quán còn là nơi lưu lại những dấu tích của cuộc sống người tiền sử. Tại đây dưới các mái đá, ven các khe suối và cả các sườn dốc ven thung lũng đã phát hiện nhiều công cụ sản xuất, sinh hoạt của người xưa bằng đá, đồng, đất nung.

Trong suốt cuộc kháng chiến dài 30 năm. Định Quán là một phần quan trọng của Chiến khu Đ. Đá Chồng đã chứng kiến sự hình thành, phát triển, trú quân, triển khai chiến đấu của lực lượng cách mạng. Ngày nay, một phần đất của khu danh thắng Đá Chồng Định Quán đã được sử dụng, xây dựng thành khu Trung tâm văn hóa thể thao huyện Định Quán. Tương lai không xa khu danh thắng Đá Chồng Định Quán sẽ được đầu tư tôn tạo góp phần làm cho cảnh quan thiên nhiên ngày càng tươi đẹp, là địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn..

(Nguồn: dongnai.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *