Di tích lịch sử, văn hóa

Đền Vũ Điện

Đền Vũ Điện, còn gọi là Đền Bà Vũ, miếu vợ chàng Trương, thuộc thôn Vũ Điện, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam.
Đền Vũ Điện nằm ngay sát ven bờ sông Hồng ở phía bắc xã Chân Lý. Từ thị xã Phủ Lý theo đường 62 về thị trấn Vĩnh Trụ, đi tiếp ra Cầu Không, rẽ trái lên Vũ Điện theo đường Phú Trạm là đến di tích.

Đền thờ bà Vũ Thị Thiết, người con gái phủ Nam Xang đã sớm được chép vào sách Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Chuyện kể rằng, ở trang Vũ Điện, phủ Nam Xang có một người phụ nữ tên là Vũ Thị Thiết, vợ chàng Trương sinh là người cùng làng. Mới lấy nhau được ít lâu thì chàng Trương phải ra trận dẹp giặc. Nàng sinh được một đứa con trai tên là Đản. Để dỗ con, tối đến, nàng chỉ lên cái bóng trên vách và bảo với con đó là bố. Khi Trương Sinh trở về, đứa bé không chịu nhận bố, nói rằng có một ông bố khác tối mới đến chơi. Trương Sinh ngờ vực vợ có tư tình với ai thì lửa giận bốc lên ngùn ngụt, mắng nhiếc vợ thậm tệ, không để vợ giãi bày. Nàng Vũ ôm mỗi oan không thể tỏ bày ra sông tự vẫn.
Tối đến, thấy con chỉ cái bóng trên vách bảo đó là bố, Trương Sinh mới biết mình nhầm, hối không kịp nữa. Chàng lập đền giải oan cho vợ ở bến sông, nơi nàng vừa tự tận. Dân làng thương tiếc người con gái nhân hậu của quê hương cũng lập đền thờ nàng. Ngôi đền rất linh thiêng.
Tương truyền, đền bà Vũ đã từng âm phù cho đại quân của vua Lê Thánh Thông thắng trận. Khi đại quân khải hoàn, nhà vua xuống chiếu cho quan dân địa phương Vũ Điện sửa lại ngôi đền khang trang hơn. Thuyền bè qua lại vùng sông nước này thường đến lễ ở đền bà để xin bà phù hộ cho thuận buồm xuôi gió. Ngôi đền linh thiêng với câu chuyện thương tâm của bà Vũ đã từng là đề tài cho biết bao thi nhân như Lê Thánh Tông, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến…

Những lời thơ của các thi nhân đã nói hộ lòng thương tiếc, ước muốn giải oan cho người phụ nữ chịu nhiều đau khổ, mối đồng cảm sâu sắc của người đời đối với nỗi oan trái hãy còn dằng dặc ở trên đời và lòng ngưỡng mộ đối với moọt tấm gương trinh liệt. Phải chăng vì thế mà ngôi đền thờ bà đã và vẫn sẽ còn có sức thu hút mối quan tâm của nhiều vãn khách xa gần.

 

alt

Theo truyền thuyết của người dân địa phương thì ngôi đền này được xây dựng từ thế kỷ XV, ngay sau cái chết oan uổng của bà Vũ. Ban đầu chỉ là ngôi miếu nhỏ nứa lá tranh tre do dân địa phương dựng nên. Sau khi có chiếu của vua Lê Thánh Thông, ngôi miếu mới được sửa lại thành một ngôi đền bề thế, khang trang. Ban đầu, ngôi đền được xây dựng ngoài bãi ven sông Hồng, trên một bãi đất rộng mấy chục mẫu, dân cư sống thành làng. sau vì nước lũ xói mòn, bãi bị lở nên đền phải dời vào vị trí như hiện nay.
Đền áp sát vào khu vực đê bối ven sông Hồng. Bốn cột đồng trụ xây ngay trên mặt đê, mặt quay ra sông theo hướng Bắc, cao vượt tầm những cây cổ thụ xung quanh. Sân đền nằm dưới chân đê bối, phải qua 6 bậc mới xuống được. Giữa hai cột đồng trụ là cổng chính, hai bên là hai cổng phụ tấm mái cửa vòm. Đền được kiến trúc theo kiểu chữ tam khép kín, đằng trước là 7 gian tiền đường với hệ thống vì kèo biến thể giá chiêng chồng rường con nhị.

Công trình này trốn cột, các xà đều gác lên tường. Hai đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói nam. Ba gian giữa có hệ thống cửa gỗ lim bức bàn, phần trên cửa là chấn song con tiện. Khu trung đường làm cao lên hẳn theo kiểu chồng diêm gồm hai tầng mái, mỗi lớp 4 mái có đao góc uốn cong, mái được lợp bằng ngói vẩy. Mặt trước ba gian chính tẩm là hệ thống cửa bức bàn. Công trình được khép kín bởi hai dãy nhà 3 gian nối khu chính tẩm với khu trung đường, dãy nhà 3 gian ở phía tây khu trung đường và bức tường xây phía đông khu trung đường nối với tòa tiền đường. Ngôi đền chắc chắn đã trải qua nhiều lần trùng tu, hiện nay đền mang phong cách kiến trúc của thế kỷ XIX.
Đền còn giữ lại được một số hiện vật quý. Chẳng hạn ở đây còn giữ được chiếc khánh thời Lê Trung Hưng, nó được đúc vào năm Kỷ Mão niên hiệu Chính Hòa năm thứ 20 (1699), quả chuông đồng đúc vào thời Tây Sơn, năm Cảnh Thịnh cửu niên (1801), pho tượng đồng tạc bà Vũ không rõ niên đại.

(Nguồn: hanam.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *