Di tích lịch sử, văn hóa

Đền Trúc - Ngũ Động Sơn

Đền Trúc - Ngũ Động Sơn thuộc thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng. Khu danh thắng này có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, núi non trùng điệp.

Cách thị xã Phủ Lý 8km, ngay bên đường 21A, có quả núi nhỏ hình dáng con sư tử, mang tên Núi Cấm. Ngọn núi chứa đựng một huyền tích nên đã trở thành địa danh được nhiều người biết đến. Xưa kia nơi đây bạt ngàn trúc mọc: Trúc xanh như tóc, trĩu xuống khắp miền. Năm 1089, đoàn chiến thuyền của Lý Thường Kiệt khi chinh phạt phương nam đi qua thôn Quyển Sơn. Bỗng một trận gió lớn ào ào thổi tới, bẻ gãy cả cột buồm rồi cuốn lá cờ lớn của đoàn quân lên đỉnh núi. Lý Thường Kiệt bèn cho thuyền dừng lại, cùng quân sĩ lên bờ sửa lễ tế trời đất cầu đại thắng. Lần đó, thắng lớn trở về, Lý Thường Kiệt đã cùng đoàn quân lên đây làm lễ tạ ơn, khao thưởng ba quân và mở hội cho dân làng mừng chiến thắng. Sự kiện lá cờ bị gió cuốn đã khiến Lý Thường Kiệt đặt tên cho ngọn núi là Cuốn Sơn. Về sau, để tưởng nhớ công lao của vị tướng tài, dân làng Cuốn Sơn đã lập đền thờ Lý Thường Kiệt ở chính nơi ông đã mở hội.

Ngôi đền được dựng giữa khu rừng trúc rộng hàng chục mẫu, nên mang tên đền Trúc. Sau ngót ngàn năm, rừng trúc giờ không còn nguyên như xưa nữa, nhưng xung quanh đền, vẫn muôn ngàn bóng trúc. Những cây trúc thân vàng óng, thướt tha trong gió càng tôn cho phong cảnh nơi đây thêm thơ mộng. Ngôi đền được dựng bằng gỗ lim, cao trên 6m. Nhà tiền đường là một công trình 5 gian. Hệ thống vì kèo biến thể kiểu giá chiêng đồng rường con nhị xuất hiện vào cuối thế kỷ 17 và phổ biến vào cuối thế kỷ 19. Ba gian hậu cung được xây dựng cùng một phong cách với nhà tiễn đường, có 2 đầu bịt đốc, lợp ngói nam, xây bằng gạch thất, bắt mạch để trần. Trên hệ thống cửa có trạm trổ theo các đề tài tứ quí.

Về thăm đền Trúc, bạn đừng quên ghé vào Cuốn Sơn (nay gọi là núi Cấm) kề bên. Có lẽ vì gắn bó với điềm linh ứng năm xưa nên ngọn núi có ý nghĩa tâm linh với dân trong vùng. Cũng vì thế mà núi Cấm vẫn giữ được nhiều nét nguyên sơ với hệ sinh thái phong phú. Trên đỉnh núi Cấm có một bàn cờ thiên tạo bằng đá- nơi các vị tiên thường rủ nhau về mở hội, uống rượu chơi cờ và ngắm cảnh trần thế. Ngay cạnh bàn cờ còn có một ô vuông được gọi là huyệt đế vương.

Núi Cấm còn có hệ thống hang động độc đáo: 5 hang nối liền nhau, tạo thành động liên hoàn, gọi là Ngũ Động sơn. Cấu trúc các động vô cùng đa dạng với nhiều loại thạch nhũ muôn hình vạn trạng, gợi cho du khách sức tưởng tượng phong phú: hình bầu sữa mẹ, nồi cơm mở vung, hình con voi, con rùa... Màu sắc, độ xốp, da nhũ... cũng khác nhau. Có nhũ ẩn sâu trong bóng tối, gặp ánh đuốc rọi vào bỗng rực lên như châu ngọc. Có nhũ mang hình chiếc trống nằm, trống treo, dàn mõ, mà thật đặc biệt, khi đánh lên, âm vang như thật.

(Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch - Tổng cục Du lịch)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *