Di tích lịch sử, văn hóa

Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh

Trạng nguyên Lương Thế Vinh tự là Cảnh Nghị, hiệu là Thụy Hiên, sinh ngày 1 tháng 8 năm Tân Dậu (1441) tại làng Cao Hương (nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định). Từ nhỏ Lương Thế Vinh đã nổi tiếng là thần đồng, thông minh, nhanh trí. Lớn lên Lương Thế Vinh học rất giỏi, chưa đầy hai mươi tuổi tài học của ông đã nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam.

Lương Thế Vinh đỗ Trạng Nguyên vào khoa thi năm Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463) dưới triều Lê Thánh Tông, khi ông mới 23 tuổi. Sau khi đỗ Trạng Nguyên, Lương Thế Vinh được bổ làm quan ở Hàn Lâm viện thăng đến chức Hàn lâm Thị thư chưởng Hàn lâm Viện sự, đứng đầu viện Hàn lâm. Là người có tài về ngoại giao, ông được nhà vua tin yêu giao trọng trách soạn thảo văn từ bang giao và đón tiếp sứ thần nước ngoài. Nhiều bài biểu do Lương Thế Vinh soạn gửi vua nhà Minh để giải quyết mối quan hệ giữa hai nước đều được vua Minh chấp thuận. Năm 1493, Lương Thế Vinh được cử làm Độc quyển khảo quan kỳ thi Đình khoa Quý Sửu. Năm 1495 ông dự cuộc Tây chinh với vua Lê Thánh Tông, tham gia hội Tao Đàn và là người chuyên sửa chữa, phê bình thơ văn của hội. Cuối đời ông về trí sĩ tại quê nhà, đi sâu nghiên cứu đạo Phật, đạo Lão. Ông soạn “ Thích điển giáo khoa Phật kinh thập giới” chú giải đề tựa các cuốn sách về đạo Phật như “Nam Tông tự pháp đồ”, “Thiền môn khoa giáo”…

altLương Thế Vinh là người tài hoa, uyên bác về mọi mặt như âm nhạc, giáo dục, toán học, văn học…Ông cũng là người biên soạn cuốn “Toán pháp đại thành” là cuốn sách giáo khoa đầu tiên ở nước ta. Khi ông mất, vua Lê Thánh Tông đã cho lập đền thờ trên nền nhà cũ làm thơ viếng và phong ông làm phúc thần làng Cao Hương. Bài thơ viếng ông của vua Lê Thánh Tông có câu:

“Khuất ngón tay than tài cái thế

Lấy ai làm Trạng nước Nam ta”.

Đền thờ Trạng Nguyên Lương Thế Vinh (xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản) còn gọi là đền ông Trạng xây dựng trên nền nhà cũ của gia đình ông trước đây đã từng sinh sống. Ngôi đền được dân làng làm vào đầu thế kỷ XVI ngay sau khi ông mất một thời gian để ghi nhớ công ơn. Di tích nằm giữa khu dân cư đông đúc, rộng trên một sào, mặt chính quay theo hướng đông nam. Đằng trước đền là con đường liên xã nên việc đi lại hết sức thuận lợi.

Giáp với đường đi là hai cột đồng trụ xây cao to cùng với hai cổng bên có mái che đã tạo nên một sự bề thế cho di tích ngay từ phía ngoài. Qua cổng và một sân lát gạch rộng mới tới khu đền. Di tích chính ở đây có 3 lớp nối tiếp nhau. Phía ngoài cùng đối diện với sân gạch là cung đệ tam. Công trình có ba gian, bốn mái với các góc đao uốn cong mềm mại tạo nên một sự thanh thoát cho kiến trúc. Toàn bộ cung đệ tam không có tường để trống bốn mặt làm cho công trình rất thoáng đoãng. Kiến trúc này làm theo kiểu vì kèo giá chiêng là một hệ thống vì kèo phổ biến ở các công trình cổ của Việt Nam. Bốn hàng cột lim được kê trên những chân tảng đá giữ vững cho cả hệ thống khung gỗ liên kết với nhau bằng các xà ngang, xà dọc, vì kèo… rất vững chắc. Trên mái, bờ nóc, bờ chảy bố trí rất cân đối, hợp lý. Tại bờ nóc có đôi rồng chầu mặt nguyệt nằm giữa một không gian thoáng đãng , với nhiều khúc uốn lượn, đường nét mềm mại, cùng với những con rồng từ các đao góc đang uốn mình vươn lên, góp phần tô điểm cho công trình thêm sinh động và làm tăng giá trị thẩm mỹ cho di tích.

Hai dãy giải vũ nằm trước cung đệ tam, đối diện với sân đền và quay mặt vào nhau. Mỗi dãy có ba gian, phía sau và hai bên xây tường bít dốc, đằng trước không có cửa. Nhà giải vũ hoàn toàn làm bằng gỗ lim nhưng với kiểu cách đơn giản, bao gồm vì kèo cầu cánh ác, bào trơn lắp mộng, không có chạm khắc gì.

Cung đệ nhị và cung đệ nhất, tiếp liền mái với nhau, mỗi cung cũng gồm ba gian. Các dãy nhà này hai đầu xây gạch, đằng trước là hệ thống cửa bức bàn bằng gỗ lim. Cả hai cung đều xây theo kiểu vì quá giang kèo cầu, không cầu kỳ tạo được một sự bền chắc cho công trình.

Những mảng chạm khắc ở trong kiến trúc không nhiều. Nó chỉ góp phần điểm xuyết, tạo nên một sự hài hòa cân đối cho toàn bộ di tích. Đáng chú ý là những bộ cửa võng dùng để trang trí phía trong. Với kỹ thuật chạm lộng, bong kênh và bằng tay nghề vững vàng, các sản phẩm này tuy bằng gỗ nhưng đường nét rất mềm mại lại được sơn son thếp vàng rực rỡ.

Các kiến trúc ở đây không lớn nhưng mỗi bộ phận đã tạo nên một sự hoàn chỉnh cho cả tổng thể công trình. Về cơ bản di tích đã được sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn bảo lưu và giữ được những phong cách kiến trúc truyền thống của dân tộc.

Đồ thờ tự và đồ tế khí ở đền thờ Trạng Nguyên Lương Thế Vinh được bảo quản chu đáo. Tại đây các nhang án, bát biểu, ngai thờ, kiệu bằng gỗ, các bộ tam sự, ngũ sự bằng đồng, ngững đôi song bình, độc bình, bát hương, nậm rượu bằng gốm sứ còn rất nhiều. Đặc biệt tại đền còn giữ được một tấm hình vẽ chân dung quan Trạng bằng sơn trên gỗ quý. Bức tranh khổ rộng 1m x 1m vẽ Lương Thế Vinh ngồi trên án thư, hai chân vẫn đang đi giầy đặt về phía đằng trước, tay phải đặt trên đùi, tay trái mở ra giơ lên phía trước bụng. Ông có khuôn mặt béo tốt, phúc hậu, tư chất thông minh, tư thế đĩnh đạc. Tương truyền bức vẽ này là của một họa sỹ người Trung Hoa vẽ tặng Trạng Nguyên nhân dịp ông đi sứ sang bên này.

Ngôi đền này đã được nhiều nhà khoa bảng đến thăm viếng, đê thơ ca ngợi, làm câu đối cúng vào đây. Từ thời Lê đến thời Nguyễn đã có nhiều vị đại khoa như Tiến sĩ Đỗ Quang Dần, Tiến sĩ Phạm Đạo Phú, Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị, Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến…đã đến đây.

Suốt năm thế kỷ qua, kể từ khi xây dựng cho đến nay, ngôi đền đã được tu sửa nhiều lần. Trong những năm gần đây được sự quan tâm của Nhà nước và đóng góp của nhân dân, đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh được sửa chữa ngày càng khang trang bề thế. Hàng năm không chỉ trong dịp lễ hội mà thường xuyên có nhiều đoàn khách suốt từ Nam tới Bắc tới viếng thăm.

(Nguồn: dulichnamdinh.com.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *