Di tích lịch sử, văn hóa

Đền thờ Bà Tấm

Vùng núi Tiên Du nói chung, xã Phật Tích nói riêng núi sông tuyệt đẹp. Dãy núi Tiên Du tựa như một con rồng khổng lồ vươn mình ra sông Đuống đỏ nặng phù sa để hợp thủy, xung quanh là cánh đồng bờ bãi xanh ngát. Nơi đây còn đầy ắp những huyền thoại, truyền thuyết phản ánh về một vùng quê giầu truyền thống lịch sử, văn hiến. Huyền thoại về bà Tồ Cô có công khai thiên lập địa, huyền thoại về Vương Chất đốn củi gặp tiên xuống núi, rồi Từ Thức gặp tiên nữ xuống núi cởi áo chuộc tội cho nàng vì làm gãy hoa mẫu đơn của chùa; đặc biệt là truyền thuyết vào đầu Công nguyên sư Khâu Đà La từ ấn Độ đến đây lập am truyền đạo trên đồi Mả Mang (nay thuộc thôn Vĩnh Phú vẫn còn các địa danh như đồi Mả Mang, am Mả Mang, chùa Linh Quang với tục thờ cúng sư tổ Khâu Đà La).
Ngôi đền Bà Tấm nằm lưng chừng núi Mâm Xôi thuộc thôn Vĩnh Phú, xã Phật Tích vốn gắn liền với truyền thuyết Hoàng Thái hậu ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông cho xây dựng hàng trăm chùa tháp vào thời Lý, trong đó có chùa Phật Tích là một đại danh lam nổi tiếng. Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Bắc Ninh dư địa chí... đều cho biết: ỷ Lan quê ở làng Thổ Lỗi, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc; là vợ của vua Lý Thánh Tông, là mẹ của vua Lý Nhân Tông. Cuộc đời của bà gắn liền với hai vị vua anh minh của triều Lý là Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông. Bà hai lần nhiếp chính thay chồng và con lo việc giang sơn như giữ yên đất nước trước nạn ngoại xâm, mở mang bờ cõi, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và giàu lòng yêu thương nhân dân. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: Năm 1069, Lý Thánh Tông mang quân đi chinh phạt giặc phương Nam. ở nhà, ỷ Lan lo việc triều chính được lòng các quan và muôn dân. Giữa đường chưa thắng giặc định trở về, Lý Thánh Tông nghe dân kể về tài đức của Nguyên Phi ỷ Lan bèn nói: “Nguyên Phi là đàn bà còn làm được như thế, huống chi ta là đàn ông mà chẳng làm được việc gì chăng?”, liền cho quân quay lại đánh giặc bắt được vua Chiêm Thành và ca khúc khải hoàn. Năm 1072 Lý Thánh Tông mất, Lý Nhân Tông lên ngôi lúc mới 6 tuổi, ỷ Lan được tôn làm Hoàng Thái hậu và bà đã buông rèm nhiếp chính cùng với các quan đại thần lo việc đất nước. Năm (1076-1077), bà đã cùng Thái úy Lý Thường Kiệt chỉ huy quân dân Đại Việt đánh lui hơn 30 vạn quân Tống giữ yên bờ cõi non sông. Cũng sử xưa viết rằng quốc gia Đại Việt dưới thời Hoàng Thái Hậu ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông trị vì thì đối với nước lớn phải nể sợ, nước nhỏ phải kính phục, trong nước muôn dân được yên ổn no ấm. Vì Hoàng Thái hậu ỷ Lan có nhiều công lao với dân với nước, nên khi mất nhân dân nhiều địa phương trong nước đã lập đền thờ, trong đó có đền Vĩnh Phú xã Phật Tích. Dân gian thường gọi đền thờ Nguyên Phi ỷ Lan là đền “Bà Tấm” vì là người có công lớn với dân với nước, là người đẹp người đẹp nết được ví như cô Tấm trong truyện cổ tích “Tấm Cám”.

Đền Bà Tấm hiện còn bảo lưu được nhiều di sản văn hóa quý giá như: nền móng, gạch ngói, chân tảng thời Lý; tượng ỷ Lan, hoành phi, câu đối, đồ thờ tự; đặc biệt là một đạo sắc phong của triều vua Khải Định năm thứ 9 phong cho “Thần” ghi rõ tên tuổi và công lao của Hoàng Thái hậu ỷ Lan. Đó còn là lễ hội truyền thống hàng năm vào ngày mồng 8 tháng 2 âm lịch với nhiều nghi thức, tục trò dân gian nhằm tôn thờ người có công với dân với nước; đặc sắc nhất là tục thờ thần bằng cỗ “Bánh ngọt” và “Cháo trường”-đã ẩn chứa câu chuyện lịch sử khi Hoàng Thái hậu ỷ Lan về với quê hương Vĩnh Phú có công với dân làng và được thờ làm Thành hoàng làng ở đình và đền.

(Nguồn: bacninh.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *