Di tích lịch sử, văn hóa

Đền chùa Hòa Liễu

Nằm giữa cánh đồng xã Thuận Thiên (Kiến Thụy), với vị trí tiếp nối vào xã An Thái (An Lão), nhìn từ xa cụm di tích đền chùa Hòa Liễu đã hiển hiện như một trung tâm tín ngưỡng. Nổi tiếng không bởi chỉ là di tích được xếp hạng quốc gia, nơi đây còn gìn giữ một nét đẹp văn hóa độc đáo riêng.

Đi từ nội thành về, nếu thẳng xuống trung tâm huyện Kiến Thụy, lượn một vòng cua bên phải quanh núi Đối, xuyên thẳng qua xã Hữu Bằng, còn nếu đi theo đường Kiến An, vượt qua cầu Nguyệt độ 1km, rẽ phải qua xã Mỹ Đức (An Lão) chạy thẳng và nhìn sang bên phải, đền chùa Hòa Liễu nằm độc lập, cả kiến trúc lẫn vị trí đều không giống bất cứ di tích nào hiện có ở Kiến Thụy.


Hòa Liễu vốn là tên của thôn, đúng hơn là tên làng, trước kia còn có một tên khác nghe rất lạ là Lan Niểu, cái tên Hòa Liễu chính thức được gọi từ thế kỷ 19, ngày ấy thuộc tổng Văn Hòa, phủ Kiến Thụy. Cả quần thể đền và chùa đều tọa lạc trong cùng một khuôn viên, sau nhiều lần trùng tu, nhìn bề ngoài cụm di tích có dáng dấp của phong cách kiến trúc hơi lạ so với truyền thống khu vực đồng bằng Bắc Bộ. 

Theo tịch cũ, đền Hòa Liễu thờ Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, một nhân vật lịch sử thời Mạc, người có công mở mang, xây dựng làng xã, làm việc thiện giúp dân giúp đời. Đền Hòa Liễu kiến trúc kiểu chữ Nhị, tòa tiền đường 5 gian, tường hồi xây bổ trụ giật 3 cấp “hồi văn đội đấu”, chạy chỉ hoa chanh, trên nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt. Tòa giữa ở gian hai đầu xây bổ trụ, chạy chỉ đơn, hậu cung gồm một gian hai dĩ với 4 mái đao cong đầu rồng làm bằng gỗ lim. Chùa Hòa Liễu gồm 3 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, hậu cung xây kiểu chồng diềm hai tầng mái, lợp ngói mũi hài.  

Trong cụm di tích bảo lưu được nhiều di vật mang phong cách nghệ thuật của nhiều thời kỳ lịch sử, nhất là các di vật thời Mạc tạc bằng chất liệu đá như ở chùa có: pho Tam thế, hai pho tượng Phật Quan thế âm và Đại thế chí, đôi sấu đá…; còn ở đền có: bia đá Thiên Phúc tự dựng vào đời vua Mạc Phúc Nguyên, niên hiệu Quang Bảo năm 1561, tượng Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, cột “thạch trụ”... Quần thể di tích đền chùa Hòa Liễu được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1993. 

Khách quan mà nhìn nhận, kể cả kiến trúc lẫn không gian, đền chùa Hòa Liễu không phải là cụm di tích đẹp nhất trong hơn 30 di tích được xếp hạng ở Kiến Thụy, nhưng lễ “Minh Thệ” đáng được coi là bảo bối hồi môn của lịch sử. Đây là tập tục cắt máu ăn thề, cả dân và quan cùng phải thực hiện, với ý nghĩa minh bạch tuyệt đối, mà quan trọng nhất là “chí công vô tư”. Theo tài liệu Hán Nôm còn lưu giữ, cùng với truyền ngôn của người Hòa Liễu, Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn là người tiền xướng cho lễ thề này. Trước đó khi khởi dựng chùa Thiên Phúc (Hòa Liễu), bà xuất tiền mua gần 30 mẫu ruộng cúng Tam bảo, một phần đất cấp cho dân nghèo cày cấy. Để an dân, ban đầu bà đặt ra những lời thề đối với những người này, dần dà lời thề “không lấy của công làm của riêng” thành tập tục.

Được lưu truyền từ thế kỷ 17, trước kia lễ Minh Thệ tổ chức vào hạ tuần tháng Chạp (chính lễ là ngày 24) hàng năm. Sau năm 1945, trải qua nhiều biến cố lịch sử, lễ bị gián đoạn một thời gian khá dài. Cho đến khi cụm di tích được Bộ Văn hóa công nhận năm 1993, lễ Minh Thệ được nhân dân địa phương khôi phục. Kể từ năm 2002, lễ gắn liền với hội làng, được tổ chức vào dịp rằm tháng Giêng, lấy ngày 14 làm chính hội. Ngày này, dân làng dựng một đài thề trước cửa đền, chiếc mũ cũ của Thành hoàng làng trước đây được đặt ở vị trí cao nhất trên đài thề, ngoài hương quả, lễ vật chính gồm có 1 con dao bầu, 1 bình rượu, 1 con gà sống... tất cả bọc trong vải điều. Trước khoảng trống dưới đài thề, là một vòng tròn đường kính khoảng 2 mét, gọi là vòng thiêng. 

Trước sự chứng kiến của đông đảo dân chúng, trống lễ khởi lên, tiếng xướng âm giới thiệu từng nhân vật, từng nghi thức vang vọng. Xen kẽ trong đó là các hình nghi tế, rước, múa hát dân gian… Chủ tế và các vị bồi tế là những chức sắc trong làng mặc áo the khăn xếp, tất cả đã an vị, chủ tế vái lễ và nâng dao lên, ngay cả động tác múa dao cũng điêu luyện, toát lên sự nghiêm trang cao độ, rồi chủ tế bất ngờ cắm phập con dao giữa vòng tròn thiêng. 

Tiếp đó là một vị chức sắc khác trịnh trọng tuyên bản văn thề bằng âm Hán - Việt. Nội dung gồm những quy tắc ứng xử để làm đẹp cho người, cho đời: “… lấy của công làm việc công thì được các thần linh ủng hộ. Nhược bằng có lòng tham, lấy của công đem về làm của tư, thì nguyện cầu các vị thần linh đả tử!...”. Sau mỗi câu thề được tuyên, các vị bồi tế đại diện cho các hạng dân trong làng hô vang lời thề. Thề xong, chủ tế cầm dao tiến đến đài thề, túm lấy cổ gà cắt tiết, nhỏ huyết gà vào bình rượu, lễ “châm tửu” được thực hiện, chủ tế và các bồi tế chuyển rượu cho nhau uống, cam kết thực trung lời thề đã tuyên.

Có thể nói, cùng với chọi trâu ở Đồ Sơn, vật cầu Kim Sơn, lễ Minh Thệ đã tạo lên “bộ tam lễ” truyền thống độc đáo nhất, tính chung cho cả vùng đồng bằng Bắc Bộ, độc đáo hơn nữa nó đều xuất lộ từ vùng đất cổ Kiến Thụy. Đáng lưu ý là, ngay tại huyện Kiến Thụy hiện nay, và trong hơn 8.000 lễ hội hiện có trên cả nước, không ít lễ hội vốn dĩ đã thất truyền trở thành “tam sao thất bản”, hoặc cổ trang, hoặc huyễn hoặc, thì Minh Thệ vẫn mang trọn vẹn một ý nghĩa rất thời sự, đó là làm tâm người ta trong hơn sáng hơn. Ở một góc độ nào đó, lễ Minh Thệ không chỉ đáng được tôn vinh, mà còn đáng được nhân rộng về mặt tinh thần, cho “quan dân” thời nào cũng cần hưởng ứng.
Nguồn: website Haiphonginfo

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *