Di tích lịch sử, văn hóa

Chùa Ông Bổn (Hòa An Hội Quán)

Đây là khu di tích mang đậm nét đặc trưng của người Hoa Sóc Trăng, đầu tiên được đạt tên là Thất Phủ Miếu, sau đổi lại là Hòa An Hội quán và được giữ nguyên tên đến ngày nay.

Hòa An Hội quán được xây cất từ năm Ất Hợi năm 1875. Tuy nhiên đây chỉ là tên gọi trong sách vở còn đối với người dân Sóc Trăng vẫn quen gọi là “Chùa Ông Bổn”, còn người Hoa gọi là “A Côn” tức Ông Bổn.

Nhờ được nhiều lần trùng tu và bảo quản kỹ nên cho tới nay vẫn giữ nguyên hiện trạng, vì nằm ngay con đường vào chợ thị xã nên rất thuận tiện cho khách tham quan, du lịch (số 9, đường Nguyễn Văn Trổi – khóm 1, phường 2 thị xã Sóc Trăng).

Có thể nói Hòa An Hội quán là ngôi đền thờ thần rất đặc trưng mang đậm dấu ấn của người Hoa Sóc Trăng, chất liệu xây dựng bằng gỗ và đá chở từ Trung Quốc sang.

Theo những người am hiểu về ngôi đền nầy cho biết, đền được lập để thờ Trịnh Ân, một viên tướng vào đời Tống trung Quốc. Ngòai công lao mở mang bờ cõi, dẹp lọan trừ gian, ông còn lập được nhiều công lớn trong việc trong việc dạy dân đòan kết gắn bó với cộng đồng để khẩn hoang lập ấp, siêng năng lao động, bền chí làm ăn và khuyên mọi người biết điều lễ nghĩa, giữ đức làm người, xây dựng thuần phong mỹ tục, cốt làm sao cho dân không những đầy đủ về vật chất và cả phong phú tinh thần. Không may ông bị bọn gian thần ganh ghét hãm hại và bị khép vào tội chết. Thương tiếc bậc trung thần cả đời vì dân vì nước, dân chúng lập miếu thờ ông làm vị phúc thần. Chuyện nầy lan truyền đến tận triều đình. Vua nghe ra và tỉnh ngộ, ban chiếu sắc phong ông là “Cảm thiên Đại Đế” có nghĩa là “Lòng trung động đến nhà trời”.

Ngôi đền thu hút được nhiều khách tham quan nhờ vào lối kiến trúc lạ, mang dấu ấn lịch sử của người Hoa. Điều đáng nói hơn nữa là công phu của các nghệ nhân xưa vẫn còn nguyên nét tinh xảo qua các công trình chạm trổ, khắc họa trên mái, trên cột, trên cửa, trên các hành phi, biển bức...Theo lời nghệ nhân điêu khắc Nguyễn Chinh đã từng thi công các công trình điêu khắc, kiến trúc các ngôi chùa, đình lớn ở các tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh thẩm định: Đây là những tác phẩm điêu khắc tinh xảo, độc đáo “có một không hai” ở đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài các lễ hội thường niên, Hòa An Hội quán còn có điểm độc đáo nữa là hàng năm, vào dịp tết Nguyên Tiêu, Hội quán tổ chức lễ đấu giá đèn lồng. Theo ông Hùynh Phến, Hội trưởng Hội quan cho biết “ trong lễ đấu giá đèn lồng nầy, tuy giá trị chiếc lồng đèn không cao, nhưng giá trị của các câu chúc phúc đặt cho bốn cây đèn như “Hợp gia bình an” “Sanh ý hưng long” “Tài nguyên quản tấn” “Kim ngọc mãn đường” thì đối với người Hoa, nhất là giới kinh doanh, mua bán thì rất quí. Họ thi nhau đấu giá mua đèn có khi lên đến hàng chục triệu. Có người không hiểu bảo đây cũng cho là hình thức quảng cáo. Thực ra Ban quản trị tổ chức lễ đấu đèn vừa làm tăng sinh khí đón mừng năm mới, tạo nên tình cảm vui tươi, đòan kết giữa cộng đồng các dân tộc. Nhưng điều quan trọng hơn hết là tấm lòng của ngững người tham gia, họ muống đóng góp tiền bạc gây qũy cho Hội quán làm những công việc công ích xã hội.

Hòa An Hội quán càng ngày càng thu hút nhiều khách tham quan, nhất là khách đi theo tour du lịch. Họ sẽ được hướng dẫn viên đưa đến các địa điểm mang nét văn hóa đặc trưng của ba dân tộc Kinh – Hoa - Khmer Sóc Trăng để làm phong phú thêm sự hiểu biết về các vùng đất, con người.

(Nguồn: www.soctrang.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *