Di tích lịch sử, văn hóa

Chùa Hòe Nhai

Chùa nằm tại số 19 dốc Hàng Than, quận Ba Đình. Hồng Phúc là tên chữ của ngôi chùa. Xưa, chùa thuộc phường Hòe Nhai, phía tây bắc thành Thăng Long.
Thời Lý quy định mỗi quan trong triều phải trồng 1 cây Hòe tại đây nên thành tên đường (trồng từ Hoàng thành ra tới bến Đông Bộ Đầu). Đường thôn như vậy nên thôn và chùa cũng gọi là Hòe Nhai.

Chùa có đôi pho tượng lạ, một quỳ, một tọa trên lưng người quỳ. Pho tượng đặt bên trái chính điện, đăng đối với tượng quan âm tống tử. Bộ tượng cao tổng thể 1,78m được tạo tác bề thế cân đối giữa chiều cao với bề rộng, giữa pho tượng ngồi trên với pho tượng quỳ dưới và với cả vị trí đặt tượng hiện thời. Nét chạm đơn giản, mạch lạc thể hiện được thần thái của tượng. Nếu tượng dưới nét mặt là nam tính, ra chiều thành kính thì tượng phía trên có nét mặt nữ tính, nghiêm trang, đầy đặn. Các nếp áo chảy dài mạnh, nhuần nhuyễn chứng tỏ trình độ khá chắc tay của người chạm. Toàn bộ tượng phủ sơn son thiếp vàng có vài ba điểm đã bong tróc, cốt gỗ cũng có đôi chỗ bị nứt nẻ, tuy nhiên nước sơn trải qua thời gian dài vẫn giữ được màu khá đẹp, cổ kính. Tượng có phong cách cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18.

Mỗi pho tượng trong chùa Việt đều gắn với một tích để lý giải về nguồn gốc xuất hiện và tồn tại. Nhưng pho tượng đôi nói trên có cách lý giải hoàn toàn mới lạ. Theo sư cụ trụ trì tại chùa và theo tài liệu của Ban quản lý Di tích – Danh thắng Hà Nội cho biết, tương truyền pho tượng gắn với vua Lê Hy Tông, niên hiệu Vĩnh Trị (1676 – 1680) thể hiện sự sám hối của ông sau khi đã có những chính sách hạn chế Phật giáo:”Phế bỏ tăng lữ” được hòa thượng Châu Dung (tổ thứ nhì của chùa đồng thời là tổ thứ 37 của phái Tào Động) dâng biểu nói lẽ phải trái. Từ đó, vị vua này đã thay đổi thái độ với Phật giáo. Pho tượng cổ trong chùa đã phản ánh đời sống thực tại của xã hội lúc bấy giờ và là nghệ thuật tạo tượng của Việt Nam.
(Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *