Di tích lịch sử, văn hóa

Biệt khu Bình Hưng - Chứng tích chiến tranh Mỹ Ngụy

Năm 1957, tên cố đạo Nguyễn Lạc Hóa cùng 80 hộ dân theo Thiên Chúa di cư đến định cư hai bên kinh xáng Thọ Mai (xã Phú Mỹ, huyện Cái Nước) thành lập xứ đạo Phú Mỹ. Sau khi nghiên cứu, Nguyễn Lạc Hóa thấy rằng khu Dinh Điền Phú Mỹ nằm cách xa khu rừng 388.

Muốn khống chế khu rừng này, khống chế khu căn cứ cách mạng nên Nguyễn Lạc Hóa dời nhà thờ và khu Dinh Điền Phú Mỹ đến ấp Thanh Đạm, xã Tân Hưng Tây, huyện Cái Nước, thành lập khu Dinh Điền Cái Cám; đồng thời Nguyễn Lạc Hóa đưa gần 100 hộ dân di cư từ Quảng Nam đến Cái Đôi Giữa, ấp Thanh Đạm, thành lập khu Dinh Điền Bình Hưng. Và, cũng vào thời điểm này tên Nguyễn Lạc Hóa vận động, lôi kéo 120 gia đình di cư người dân tộc thiểu số Trung Quốc đến kinh Mị Nương thành lập khu Dinh Điền Bình Hưng.
Tại khu Dinh Điền Cái Cám và khu Dinh Điền Bình Hưng, chúng bắt dân đào kinh đắp nền nhà, nhà cách nhà 40 m. Chúng cấp cho mỗi gia đình 30 công đất, 1 con trâu, 2 lu đựng nước, 1 chiếc xuồng, gạo ăn 6 tháng và cất cho 1 căn nhà. Tại đây, chúng tiếp tục nhận thêm nhiều gia đình di cư và dựng lên hai nhà thờ lớn, xây tượng Đức mẹ và thánh giá.

Năm 1958, với số dân di cư khá đông, các khu Dinh Điền được thành lập đưa vào quy củ, kiểm soát chặt chẽ..., Nguyễn Lạc Hóa chủ động đề nghị Phủ tổng thống và được Ngô Đình Diệm chuẩn y cho xây dựng biệt khu trên cơ sở khu Dinh Điền Bình Hưng.

Trong 2 năm (1959-1960), được cấp trên chấp thuận, Nguyễn Lạc Hóa tuyển mộ những phần tử ác ôn trong dân di cư và một số thanh niên tại xứ đạo thành lập các trung đội lính địa phương, xin cấp trên - Phủ tổng thống trang bị súng ống, phục vụ cho yêu cầu xây dựng biệt khu Bình Hưng...

Năm 1965, quân số của biệt khu Bình Hưng dao động từ 1.200-1.800 tên, gồm các thứ quân: bảo an, thủy quân lục chiến, bảo vệ, thám báo, biệt kích Mỹ, dân vệ, phòng vệ dân sự, bảo vệ hương thôn, phượng hoàng, đội chiến tranh tâm lý xây dựng nông thôn và các ban chuyên môn: điều tra, hậu cần, hộ tịch, hiến binh, công binh, giao thông, hệ thống gián điệp - điềm chỉ viên - mật báo - mật vụ...

Bình Hưng là chỉ huy sở, chung quanh Bình Hưng có 23 đồn: Kinh Mới - Quảng Phú - Vàm Đình - Dinh Điền - Đường Cày - Cái Đôi Vàm - Sào Lưới - Cái Bát - Rạch Chèo - Tân Quảng - Gò Công - Kinh Đứng - Hào Xuận - Thọ Mai - Ba Tiệm.

Nguyễn Lạc Nghiệp em của Nguyễn Lạc Hóa là phụ tá đắc lực của Nguyễn Lạc Hóa, với chức danh "ông đại diện" cùng với một số tên ác ôn khát máu: Phòn A Dưỡng, Vòng Cá Hồ, Cai Xài, Cai Xồi... cùng với các tên trước là cán bộ của ta chạy ra đầu hàng, đầu thú trở thành những tên phản động, khét tiếng gian ác: Bùi Văn Trứ - Nguyễn Văn Dật - Trần Văn Trạng - Tên cố đạo Nguyễn Lạc Hóa kích động, dung dưỡng, khuyến khích bọn này lao vào gây tội ác, tự do bắn giết, hãm hiếp, chặt đầu, mổ bụng moi gan lấy mật và dùng nhiều cực hình khác vô cùng dã man, gây biết bao đau thương tang tóc cho đồng bào.

Ngày 15/1/1960, bọn Bình Hưng biệt kích vào ấp Công Nghiệp, gặp hai anh Trần Văn Tiến và Quế Sơn, chúng xả súng bắn anh Tiến bị thương rồi chúng đè anh Tiến xuống dùng dao mổ bụng móc gan, mật. Sau đó chúng bắt anh Quế Sơn lôi đi, dùng nhiều cực hình tra tấn rất tàn nhẫn. Chưa thỏa mãn thú tính, chúng vào nhà anh Nguyễn Văn Đức, lấy cây búa chặt đầu anh Sơn đem về sân cơ quan hội đồng xã làm trái bóng cho bọn chúng đá banh rồi đem đầu anh Sơn treo trên đầu cầu và vấn thuốc cho hút.

, chúng quay lại bắt anh Sến và xả súng bắn anh chết và bắn một phụ nữ đang nhổ bồn bồn ngoài ruộng ngã chết tại chỗ, tên chỉ huy ra lệnh cho đám lính thẻo lỗ tai chị phụ nữ mang về đồn. Trong cuộc càn này chúng còn bắn chết một người phụ nữ lớn tuổi tên Giác một cách vô cớ.

Một lần khác, bọn lính bảo an càn qua Tân Quảng bắt 5 người, trên đường dẫn về Bình Hưng, dọc đường chúng biểu từng người lội sông qua bên kia bờ lấy ổ cò cho chúng... nhưng vừa bước xuống mé sông là chúng bắn chết. Cứ như vậy 5 lần chúng kêu 5 người lấy ổ cò cho chúng là 5 lần chúng bắn chết họ.

Tháng 6/1961, tại ấp Cái Bát, chúng bắn Lâm Văn Phiêu bị thương, chúng đè anh Phiêu xuống mổ bụng khi anh Phiêu còn sống, anh lấy tay đỡ lưỡi lê, chúng xẻ nát hai bàn tay anh. Anh Phiêu chửi rủa, chúng xẻ miệng anh. Cuối cùng chúng mổ bụng anh, moi gan của anh đem đến tiệm ông Trần Chon, xắt từng miếng chắm muối tiêu ăn sống, uống rượu.

Đêm 14/9/1961, bọn lính Bình Hưng và lính Vàm Đình biệt kích bao vây ngôi nhà bác Tám Sồi ở kinh Đất Sét, xã Phú Mỹ, huyện Cái Nước, chúng bắn chết anh Lung và anh Phước (giao liên tỉnh). Cả bọn tràn vào nhà thay phiên hãm hiếp bác Tám gái, cô dâu mới sinh và cô con gái của bác Tám 15 tuổi.

Sau đó, chúng bắt tất cả 10 người trong nhà bác Tám ra sắp hàng trước sân, cả đám lính thi nhau nhả đạn chết tất cả. Sau đó, bác Tám trai cùng người con đi giăng câu ngoài đồng về, chúng bắt 2 cha con bác Tám về Bình Hưng tra tấn đến chết và thủ tiêu xác (trong trận thảm sát này có 6 trẻ em bị giết).

Bọn Bình Hưng nghi gia đình ông Bùi Văn Trứng chứa Việt cộng, giữa đêm mùng 6/12/1964, chúng vào nhà ông Trứng xả súng vào nhà giết chết cả 10 người, trong khi cả gia đình đang ngủ (trong đó có 2 phụ nữ mang thai và 6 cháu nhỏ).

Đêm 21/12/1961, bọn biệt kích Bình Hưng vào nhà chú Sáu Hòa, ở ấp Kết Nghĩa, xã Phú Tân (Cái Nước), chúng bắt thím Sáu và cô dâu mang thai gần sanh hãm hiếp. Sau đó, chúng bắt hết 6 người trong gia đình (trong đó có mẹ của chú Sáu 80 tuổi, hai con trai 10, 12 tuổi và cháu nội 2 tuổi). Chúng lấy lưỡi lê thọc huyết rồi lấy mềm trùm lên chế dầu đốt, thai nhi gần sinh vọt ra khỏi bụng mẹ.

Tháng 5/1963, bọn biệt kích của Biệt khu Bình Hưng vào Lung Môn, rượt đuổi bắn chết 8 người, chúng dùng dao chặt thi thể ra từng khúc quăng rải rác theo xóm.

Chuyện giết người, bắn giết người vô cớ của bọn khát máu Bình Hưng, không sao kể siết, không có sách sử nào ghi hết tội ác của chúng.

Biệt khu Bình Hưng xây một nhà tù 4 căn, dành cho tù nam 3 căn, dành cho tù nữ 1 căn. Trong nhà lao này lúc nào cũng chứa đầy người, có nhiều khi chật như nêm, muốn nằm phải nằm nghiêng mới đủ chỗ hoặc phải ngồi suốt ngày đêm. Đặc biệt, ở Bình Hưng chúng có nhiều hình thức tra tấn, hành hình tù nhân không giống bất cứ nhà tù nào.

Khi chúng muốn thủ tiêu tù nhân nào thì tù nhân đó được gọi "Đi công tác Đồng Cùng" - chúng đưa cho tù nhân đó bước qua "cầu vĩnh biệt - cây cầu bắc qua con kinh Mỵ, phía Tây biệt khu, giết rồi quăng xác tù nhân xuống hầm đào sẵn (hiện nay tại đây còn hai hầm đầy xương người). Một số nhân chứng: ông Phù Mìn, ông Lý Tài Phương lính của đặc khu Bình Hưng kể lại.

Trong số lính Tàu Tưởng có tên Pà Phán, là người nấu ăn cho Nguyễn Lạc Hóa và Nguyễn Lạc Nghiệp cho biết: hai tên Hóa và Nghiệp rất thích ăn gan người. Những tù nhân bị thủ tiêu chúng sai lính lấy gan về xào ăn. Ông Quách Văn Đằng (tù nhân của đặc khu) kể: Ông chứng kiến "nhiều lần bọn lính thám báo Bình Hưng lấy tim, gan người về đồn xào, nấu ăn, uống rượu, khi no say chúng ra ngồi ở vọng gác xỉa răng, mắt đỏ ngầu".

Theo số liệu thống kê (chưa đầy đủ) của Bảo tàng tỉnh: 1.675 cán bộ và đồng bào bị bọn Bình Hưng thảm sát giết hại. Biệt khu Bình Hưng được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 24/11/2000./.

                                                                                                (Nguồn: Baocamau)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *