Đất nước Việt Nam

Tỉnh Thừa Thiên - Huế


Diện tích: 5033,2 km²

Dân số (2011): 1.103.100 người

Tỉnh lỵ: Thành phố Huế

Các huyện: Thị xã: Hương Trà, Hương Thủy; các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, Nam Đông.

Dân tộc: Việt (Kinh), Tà Ôi, Cơ - Tu, Bru - Vân Kiều, Hoa...

Thừa Thiên Huế là một tỉnh ở miền Trung Việt Nam, phía bắc giáp tỉnh Quảng Trị, phía nam giáp thành phố Đà Nẵng, tây nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía tây dựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ và cũng là biên giới Việt - Lào, phía đông trông ra biển. Thành phố Huế cách Hà Nội 660km, cách thành phố Hồ Chí Minh 1.080km.

Địa hình tỉnh Thừa Thiên Huế có cấu tạo dạng bậc khá rõ. Địa hình núi chiếm khoảng 1/4 diện tích, nằm ở biên giới Việt - Lào và kéo dài đến Đà Nẵng. Địa hình trung du chiếm khoảng 1/2 diện tích, độ cao phần lớn dưới 500m, có đặc điểm chủ yếu là đỉnh rộng, sườn thoải, phần lớn là đồi bát úp, với chiều rộng vài trăm mét. Đồng bằng của tỉnh là một phần của đồng bằng duyên hải miền Trung, bề ngang hẹp và chiều dọc kéo dài theo hướng tây bắc - đông nam, song song với bờ biển. Đồng bằng Thừa Thiên Huế điển hình cho kiểu đồng bằng mài mòn, tích tụ và đồng bằng lẫn với cồn cát, đầm phá. Diện tích vùng đồng bằng chiếm khoảng 1.400km². Trong miền đồng bằng ven biển có nhiều đầm phá, chúng đổ ra biển ở cửa Thuận An và cửa Tư Hiền.

Ngoài ra ở vùng đồng bằng sát núi có một số hồ nhỏ, nước ngọt. Một dạng địa hình phân bố khá phổ biến trong vùng đồng bằng là những cồn cát chạy song song với bờ biển có độ dài từ 5 - 30m, hai sườn không cân xứng.

Hầu hết các sông lớn của Thừa Thiên Huế đều bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn, chảy ngang qua đồng bằng, xuống đầm phá, đổ ra biển như sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương, sông Truồi... Trong đó sông Hương là con sông lớn nhất, có diện tích lưu vực khoảng 300km².

Bờ biển của tỉnh dài 120km, có cảng Thuận An và cảng Chân Mây độ sâu 18 - 20m. Sân bay Phú Bài nằm cạnh quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt chạy qua tỉnh. Giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy đều thuận lợi đối với Thừa Thiên Huế.

Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cho nên thời tiết diễn ra theo chu kỳ 4 mùa, mùa xuân mát mẻ, ấm áp; mùa hè nóng bức; mùa thu dịu dàng và mùa đông gió rét. Nhiệt độ trung bình cả năm 25ºC. Số giờ nắng cả năm là 2000 giờ. Mùa du lịch đẹp nhất từ tháng 11 nămtrước đến tháng 4 năm sau.

Thừa Thiên Huế là tỉnh có đặc thù ưu việt đó là sự đa dạng về cảnh quan thiên nhiên. Thiên nhiên cộng với yếu tố nhân tạo đã tạo ra cho Thừa Thiên Huế một nét đẹp hài hoà, phản ánh đầy đủ những thắng cảnh của một nước Việt Nam thu nhỏ. Sông Hương chảy giữa lòng thành phố, những khu vườn xum xuê, những dòng kênh bao quanh, những đồi thông soi bóng xuống những hồ nước trong xanh, trải rộng, những bãi tắm Thuận An, Cảnh Dương, Lăng Cô nước trong, cát mịn.

Tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, Thừa Thiên Huế tự hào có khu nghỉ mát lý tưởng Bạch Mã đã từng được so sánh với các khu nghỉ mát độc đáo của Đông Dương Huế là một vùng đất cổ. Vào thế kỷ XIII vùng đất thơ mộng này đã hoà nhập vào Đại Việt bởi là quà tặng của vua Chiêm Thành khi cưới công chúa Huyền Trân nhà Trần. Phong cảnh tươi đẹp, địa hình hiểm trở đã tạo cho Huế có một vị trí đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Nơi đây đã được vua Quang Trung chọn làm kinh đô của triều đại Tây Sơn (1788 - 1802), vua Gia Long chọn làm kinh đô của triều Nguyễn (1802 - 1945).

Trong hơn 400 năm, Thừa Thiên Huế nói chung và Huế nói riêng đã là trung tâm chính trị, văn hoá của Nhà nước phong kiến Việt Nam. Chính vì vậy, nơi đây còn lưu giữ hàng trăm di tích lịch sử, văn hoá mà nổi bật nhất là các cung điện, lăng tẩm của các vua chúa nhà Nguyễn. Thừa Thiên Huế còn là một tỉnh có truyền thống cách mạng oanh liệt, đến nay còn lưu giữ nhiều di tích liên quan đến cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều nhà cách mạng tiền bối khác, cũng như nhiều di tích liên quan đến hai cuộc chiến tranh giữ nước, giành độc lập dân tộc.

Ngày 11/12/1993 quần thể các di tích văn hoá Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hoá nhân loại với trên 300 công trình kiến trúc bao gồm hệ thống thành quách, cung điện, lăng tẩm của các vua triều Nguyễn, các kiến trúc cung đình, kiến trúc dân gian, các chùa chiền, miếu mạo, phủ đệ, hệ thống nhà vườn...

Tất cả yếu tố trên là những điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức nhiều loại hình du lịch, phục vụ cho nhiều đối tượng du khách khác nhau. Vì vậy, du lịch Thừa Thiên Huế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cổng Thông tin Điện tử Tỉnh: www.thuathienhue.gov.vn

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *