Đất nước Việt Nam

Tỉnh Lai Châu


Diện tích: 9.068,8 km²

Dân số (2011): 391.200 người

Tỉnh lỵ: Thị xã Lai Châu

Các huyện: Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Than Uyên, Mường Tè, Tân Uyên .

Dân tộc: Thái, H'Mông, Việt (Kinh), Dao, Hà Nhì...

Tỉnh Lai Châu nằm ở phía tây bắc Việt Nam, phía bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với đường biên giới 273km, đông giáp Lào Cai và Yên Bái, nam giáp Điện Biên và Sơn La. Thị xã Lai Châu cách Hà Nội khoảng 450km đường bộ.

Lai Châu có 60% diện tích ở độ cao trung bình hơn 1.000m (so với mặt biển). Nhiều núi, sông suối - trở ngại chính phát triển hệ thống giao thông trong tỉnh. Tuy nhiên, du khách có nhiều dịp may được nhìn bức tranh núi non rất ấn tượng mỗi khi có dịp đi lại trên tuyến đường 4D, hay các tuyến giao thông khác trong tỉnh. Chiều chiều khi hoàng hôn rải nắng vàng trên các triền núi cao tạo nên các mảng sáng tối, cũng là lúc bức tranh “Chiều Tây Bắc” của hoạ sỹ Phan Kế An hiện về cho bạn chiêm ngưỡng.

Mạch núi ở Lai Châu chạy theo hướng tây bắc - đông nam. Phần lớn là núi đá nên có nhiều hang động kỳ thú. Lai Châu có nhiều suối khoáng nóng, thác nước. Rừng tự nhiên có độ che phủ trên 30% là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý, là tiềm năng lớn để thu hút những du khách muốn được sống với thiên nhiên hoang dã hay tham gia các tour nghỉ dưỡng, thích các tour du lịch mạo hiểm...

Lai Châu không có nhiều công trình kiến trúc văn hoá lịch sử như các tỉnh dưới đồng bằng, nhưng bạn vẫn có cơ hội chụp ảnh lưu lại tấm bia Lê Lợi ghi dấu tích của nghĩa quân Lam Sơn hồi thế kỷ XV hay dinh thự Đèo Văn Long một trong số các di tích mang đậm dấu ấn vùng Tây Bắc.

Bên cạnh các di sản vật thể ít ỏi ấy, kho tàng văn hoá phi vật thể ở Lai Châu lại rất phong phú nhưng chưa được khám phá. Lai Châu là địa bàn cư trú của 20 dân tộc, trong đó đông nhất là người dân tộc Thái (33,7%), Dao (14,8%), Việt (Kinh) 11,2%... Cộng đồng 20 dân tộc ở đây là tiềm năng lớn cho những du khách có nhu cầu tìm hiểu, khám phá đời sống sinh hoạt của cư dân các dân tộc ít người. Tới đây bạn mới hiểu không phải ngẫu nhiên người ta ví Mường So (Phong Thổ) là cái nôi của múa xoè.

Cộng đồng các dân tộc ở Lai Châu rất tự hào vì nhiều di sản văn hoá cổ truyền vẫn được giữ gìn tạo nên sắc thái riêng rất đa dạng của địa phương: những di chỉ khảo cổ học, bộ tranh cúng 36 bức của người Giáy, những điệu múa xoè ngây ngất trong đêm hội miền Tây Bắc...

Cổng Thông tin Điện tử Tỉnh: www.laichau.gov.vn

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *