Bảo tàng & Điểm đến khác

Thành hoàng làng Giàng

Thành hoàng làng Giàng (thị trấn Thứa, huyện Lương Tài) là Tô Hiến Thành. Ông là một vị quan lớn, có nhiều công lao củng cố vương triều Lý.

Trước hết, ông là người có công đánh dẹp các cuộc phiến loạn của các thế lực chống đối triều đình. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” tập I, (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 1972), tháng 5 năm Kỷ Mão, niên hiệu Đại Định thứ 20 (1159), Ngưu Hống và Ai Lao làm phản, nhà vua cử Tô Hiến Thành đi đánh, bắt được người và trâu, ngựa, voi, vàng bạc châu báu rất nhiều. Sau trận này, ông được phong làm Thái uý. Tháng 11 năm Tân Tỵ, niên hiệu Đại Định thứ 22 (1161), cử Tô Hiến Thành làm Đô tướng, Đỗ An Di làm Phó tướng, đem 2 vạn quân đi tuần các nơi ven biển miền Tây Nam, để giữ yên bờ cõi xa. Vua đích thân đi đưa đến cửa biển Thần Đầu huyện Đại An (nay là cửa biển Thần Phù) mới trở về.

Tháng 7 năm Đinh Hợi niên hiệu Chính Long Bảo ứng thứ 5 (1167), nhà vua cử Thái uý Tô Hiến Thành đi đánh Chiêm Thành. Tháng 10, Chiêm Thành sai sứ mang trân châu và sản vật địa phương để xin hoà.

Hai là, khi được giao trọng trách nhiếp chính, giúp đỡ thái tử, Tô Hiến Thành tỏ ra là người liêm chính, không nhận hối lộ, không vì tình riêng cất nhắc kẻ cơ hội mà luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có chép:

“Năm ất Mùi niên hiệu Thiên cảm Chí bảo thứ 2 (1175), phong Tô Hiến Thành làm Nhập nội Kiểm hiệu, Thái phó Bình chương Quân quốc Trọng sự, tước vương, giúp đỡ Đông cung. Tháng 4 năm đó, vua không khoẻ, cố gượng sai Tô Hiến Thành ẵm thái tử mà quyền nhiếp chính sự.

“Ngày ất Tỵ tháng 7 năm đó, vua băng hà ở điện Thụy Quang. Trước khi vua ốm nặng sắp chết, hoàng hậu lại xin lập Long Xưởng. Vua nói: “Làm con mà bất hiếu còn trị dân làm sao được”. Di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp dập thái tử, công việc nhà nước nhất thiết tuân theo phép cũ. Khi ấy, hoàng hậu muốn làm việc phế lập, sợ Hiến Thành không nghe, mới đem vàng bạc đút cho vợ Thành là Lã thị. Hiến Thành bảo vợ rằng: “Ta là đại thần nhận mệnh tiên đế dặn lại giúp dập vua nhỏ, nay lấy của đút mà bỏ vua nọ lập vua kia thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở suối vàng!”. Thái hậu lại gọi Hiến Thành để dỗ dành trăm cách. Hiến Thành trả lời: “Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, có trung thần nghĩa sĩ nào làm đâu. Huống chi, lời tiên đế còn ở trong tai. Điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang ngày xưa sao? Thần không dám vâng lời dạy”. (tr.291-292).

Sử cũ cũng cho biết: khi Tô Hiến Thành ốm nặng, Tham  tri Chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu bên cạnh. Gián nghị Đại phu Trần Trung Tá, vì có việc khác, không lúc nào rỗi đến thăm hỏi được. Đến khi bệnh nguy kịch, Thái hậu thân đến thăm và hỏi rằng: “Nếu không may ngài trăm tuổi thì ai là người đáng thay được”. Tô Hiến Thành trả lời: “Trung Tá có thể thay được”. Thái Hậu lại nói: “Tán Đường ngày nào cũng hầu thuốc thang, ông lại không nói đến là làm sao?”. Hiến Thành trả lời: “Vì Thái hậu hỏi người nào đáng thay tôi, nên tôi nói là Trung Tá. Nếu như hỏi người hầu nuôi thì không phải Tán Đường còn ai nữa”. Thái hậu khen là trung, nhưng không nghe ý kiến của ông.

Tô Hiến Thành cũng là người đầu tiên thực hiện phân loại quan lại theo tiêu chí năng lực công tác và trình độ học vấn. Ông cho khảo xét công trạng các quan và phân làm ba loại: người nào giữ chức siêng năng tài cán mà không thông chữ nghĩa làm một loại; người tài cán mà có chữ nghĩa làm một loại; người tuổi cao, hạnh thuần, biết rõ việc xưa, làm một loại. Căn cứ vào đó để trao chức vụ để trị dân coi quân, để cho các quan không lạm dụng chức vụ tham nhũng.

Tháng 6 năm Kỷ Hợi, niên hiệu Trinh Phù thứ 4, (1179), Thái uý Tô Hiến Thành qua đời. Vua bớt ăn 3 ngày, nghỉ chầu 6 ngày để để tang ông.

Đánh giá về Tô Hiến Thành, sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “Tô Hiến Thành nhận việc ký thác con côi, hết sức trung thành, khéo xử trí khi biến cố, như cột đá giữa dòng, tuy bị sóng gió lay động vỗ đập mà vẫn đứng vững không chuyển, khiến trên yên dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần đời xưa. Huống chi đến lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không vì ơn riêng. Thái hậu không nghe lời nói của Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý”. (SĐD, tr.294).

Có thể nói tấm gương một lòng vì nước của Tô Hiến Thành đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Sau khi chết, ông được nhiều nơi thờ làm thành hoàng. Ngày nay, nhiều thành phố ở Việt Nam lấy tên ông đặt tên cho đường phố chính.

(Nguồn: bacninh.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *