Bảo tàng & Điểm đến khác

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cách TP.Thanh Hóa khoảng 130 km về phía Tây Bắc, nằm trên địa bàn hai huyện Quan Hóa và Bá Thước.

CôngThương - Vẻ đẹp hoang sơ cũng như những đổi thay tích cực ở Pù Luông đã được chúng tôi khám phá và chứng kiến trong 3 ngày đi “phượt” đầy kỷ niệm. Với cung đường tự chọn cho dân “phượt” là cách tự khám phá, tự lo ăn uống, mệt đâu nghỉ đó), chúng tôi thẳng lộ trình Mai Châu - Co Lương - đường 15 C cũ và bắt đầu hành trình khám phá khu bảo tồn Pù Luông. Ngoài những khung cảnh mùa lúa chín làm say đắm lòng người, đường vào Pù Luông còn có nhiều cung đoạn thử thách sự kiên nhẫn của du khách. Bởi đường càng vào sâu càng xấu dần, không còn là đường cấp phối nữa, mà chỉ đất là đất, cộng thêm đêm trước trời mưa nên đường trơn trượt, đất ôm cứng lấy các bánh xe. Đã có nhiều xe nằm ườn ra đất… Giữa những thử thách đó, đột nhiên chúng tôi phát hiện ra mình đang đi cạnh dòng sông Mã anh hùng. Sự háo hức được chạy trên con đường 15 C, chạy dọc và ngắm con sông Mã làm cho những kẻ phượt chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Vượt qua cung đường dốc đứng, trơn trượt, chúng tôi đến bản Kho Mường (bản người dân tộc Thái nằm sâu trong lòng khu bảo tồn xã Thành Sơn, huyện Bá Thước). Đến đây, không thể bỏ qua hang Kho Mường - một trong số nhiều hang động có vẻ đẹp hấp dẫn trong quần thể hang động được phát hiện trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Những khối đá vôi làm nên hang động này đã phát triển qua quá trình khoảng 250 triệu năm về trước. Hang có mối liên hệ với hệ thống sông dưới lòng đất, có chiều dài khoảng 2,5 km về phía bắc và dẫn nước từ Kho Mường qua làng Pồn thuộc xã Lũng Cao. Hệ thống sông, suối chảy trong lòng hang là đặc điểm chung của các khu vực núi Kart, nó tạo sự kết nối giữa các thung lũng lòng chảo bằng sự liên kết của các dòng chảy. Hang Kho Mường còn là nơi trú ngụ của nhiều loài dơi. Thường xuyên có ít nhất 4 loài dơi cư ngụ trong hang. Bởi vậy hang này còn được người dân gọi là hang Dơi.

Bản Kho Mường có khoảng hơn 60 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu. Nhiều gia đình trong bản đã tham gia làm du lịch. Khi chúng tôi đến và đặt yêu cầu được chỉ dẫn về địa hình và ăn uống thì hình như mọi thứ đều có sẵn, dù đoàn tôi khá đông, khoảng hơn 30 người. Hỏi ra được biết, dân bản đã có nhiều người tham gia các lớp tập huấn về du lịch và được cấp các chứng chỉ. Theo lời kể của một chủ nhà thì những năm qua nhờ làm du lịch mà cuộc sống của họ đầy đủ và khang trang hơn.

Du lịch Pù Luông, ngoài được khám phá cảnh quan thiên nhiên hoang dã, còn là điểm đến khá phù hợp với nhiều đối tượng du khách. Chi phí dịch vụ ở đây thật sự dễ chịu. Với nguồn nguyên liệu tự cung, tự cấp như rau, cá… mỗi bữa ăn trưa chỉ hết khoảng 30.000 đồng/người; phí lưu trú qua đêm, mỗi khách chỉ thêm 20.000 đồng. Ông Nếch - Trưởng bản - cho biết, mỗi tháng, bản cũng đón được 400-500 khách, mà chủ yếu là khách du lịch nước ngoài. Mặc dù, thu nhập từ du lịch không cao nhưng là cơ hội tốt để nhiều hộ dân có điều kiện sắm ti vi, tủ lạnh, cải thiện được cuộc sống cho gia đình. Đây cũng là một thế mạnh để Pù Luông thu hút khách du lịch.

(Nguồn: baomoi.com)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *