Bảo tàng & Điểm đến khác

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống

Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Huống-Nghệ An được thành lập từ năm 2001 với diện tích rừng được giao quản lý 49.806 ha, bao gồm lâm phần của 12 xã thuộc 5 huyện miền núi cao Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương và Con Cuông. Mục tiêu của Khu BTTN là quản lý phục hồi rừng hiện có để bảo vệ mặt đệm lưu vực sông, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn và phát triển đa dạng nguồn sinh học và tạo nên khu du lịch sinh thái.

Trước đó, khi ngược đường lên huyện Quế Phong hẳn ai cũng phải xót xa, bởi cây cối rừng già dọc hai bên QL 48 kể từ huyện Quỳ Hợp trở đi đã bị nhiều lực lượng thay nhau chặt hạ. Thêm vào đó là gò đồi lúa, ngô, khoai, sắn mọc lên do người dân phát rừng làm nương rẫy. Đây cũng là thời điểm lâm tặc đổ xô về hoạt động, dân săn bắn thì ngày đêm len lỏi vào rừng sâu để truy tìm động vật. Sau khi đánh giá thực trạng về rừng trên dải đất này, ngành Lâm nghiệp Nghệ An đã đưa ra nhiều biện pháp bảo vệ rừng. Trong đó yếu tố quan trọng nhất là sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng như công an, huyện đội và chính quyền địa phương của 12 xã ở trong vùng đệm. Qua kiểm tra khảo sát ban đầu đã cho thấy, Khu BTTN hiện có nguồn trữ lượng gỗ 377 triệu m3 (chưa kể tới tre, nứa, trúc, mai, vầu...). Hệ thực vật ở đây gồm 612 loài, thuộc 117 họ, với 33 loài thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ quốc gia. Hệ động vật có tới 291 loài, thuộc 88 họ, trong đó có 45 loài thú quý hiếm đã được liệt kê trong sách đỏ. Cũng qua số liệu điều tra mới đây của Ban Quản lý khu BTTN Pù Huống, hiện ở 12 xã này đang là nơi trú ngụ của 8.533 hộ dân, với gần 50.000 nhân khẩu thuộc các dân tộc Thái, Mông và Khơ-mú. Để bảo vệ được rừng, Ban Quản lý Khu bảo tồn kết hợp với chính quyền địa phương cùng các Hạt Kiểm lâm, lâm trường các huyện đã đến từng địa bàn để tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng cho người dân. Sau các đợt tuyên truyền, các địa phương đã kiện toàn hệ thống kiểm lâm viên cơ sở, thành lập các tiểu ban phòng cháy chữa cháy rừng và vận động toàn dân ký cam kết cùng nhau làm tốt công tác bảo vệ rừng. Ngân sách của tỉnh, huyện đã ưu tiên cho sự nghiệp phát triển kinh tế của vùng đệm như quy hoạch vùng dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông, thi công các công trình thuỷ lợi để mở mang thêm diện tích trồng cây lúa nước...Nhờ vậy đến nay nông dân ở vùng đệm đã xoá bỏ được tập tục canh tác lạc hậu. Các cây, con giống mới đã được áp dụng vào sản xuất đại trà. Trong đó kinh tế nhất là cây ngô đông (vụ 3) trên đất hai lúa và đất hai màu (trước đây trên một đơn vị diện tích, đồng bào chỉ gieo trồng được 2 vụ). Đối với đất đồi, ven khe suối, hiện nông dân ở Khu bảo tồn cũng đã phủ xanh bằng giống cây tre Điền Trúc và Bát độ để lấy măng...Đánh giá về thực trạng của Khu BTTN Pù Huống, Phó Chủ tịch huyện Quỳ Hợp, Cao Thanh Long đã hồ hởi: Quỳ Hợp là trung tâm của Khu bảo tồn, có trụ sở của Khu bảo tồn nên dân Quỳ Hợp phải làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng.

5 năm, kể từ khi Khu bảo tồn được thành lập đến nay, chưa phải là dài, nhưng đến thăm Pù Huống trong những ngày này hẳn ai cũng phải ngỡ ngàng trước màu xanh bất tận của núi rừng. Rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ không những đã được bảo toàn mà trên đất trống đồi núi trọc, đất rừng suy kiệt trước đây nay đã được các lâm trường và nhân dân phủ kín bằng một màu xanh ngút ngát của rừng cây nguyên liệu. Vành đai rừng thuộc khu bảo tồn đã góp phần quan trọng trong hệ thống mặt đệm che chắn bền vững cho lưu vực sông Nghệ An. Nơi đây thực sự đã trở thành một quần thể sơn thuỷ hữu tình đang thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước đến nghiên cứu hệ môi trường sinh thái. Hàng năm du khách bốn phương vẫn dập dìu đến Khu bảo tồn để tận hưởng không khí trong lành và thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh tuyệt vời như: Thác Sao Va- Quế Phong, hang Bua- Quỳ Châu và động Thẳm Boòng- Quỳ Hợp... 

(Nguồn: cema.gov.vn)

 


Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *