Bảo tàng & Điểm đến khác

Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn

Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn nơi gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Xứ Lạng

Trước tốc độ phát triển khá nhanh của nền kinh tế, một số bản sắc văn hoá của tỉnh Lạng Sơn đang đứng trước nguy cơ mai một. Trước tình hình đó, bằng sự năng động, sáng tạo, phát huy trí tuệ tập thể, Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn đã góp phần gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hoá Xứ Lạng.

Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin Lạng Sơn, thành lập ngày 24-6-1993 theo Quyết định số 441/QĐ-UB của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn. Năm 2002, Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ tài chính. Đây là cơ chế quản lý mới áp dụng đầu tiên cho bảo tàng tỉnh Lạng Sơn trong hệ thống bảo tàng quốc gia. Tuy bước đầu hoạt động theo cơ chế mới, nhưng Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn đã đạt được một số thành tựu trên các lĩnh vực trong công tác bảo lưu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Về phương diện quản lý nhà nước: xác định rõ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn đã tham mưu tích cực cho Uỷ ban nhân dân tỉnh và Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh triển khai, thực hiện nhiều dự án bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên của Lạng Sơn theo Pháp lệnh số 14 của Hội đồng Nhà nước (năm 1984) và Luật di sản văn hóa. Bên cạnh đó, quyết định phân cấp quản lý bảo vệ, sử dụng di tích trong tỉnh và tổ chức thực hiện, tăng cường trách nhiệm, hiệu quả công tác quản lý di tích của chính quyền các cấp, phối hợp ngăn chặn, xử lý vụ việc xâm phạm di tích theo quy định của pháp luật cũng được bảo tàng đề xuất.

Hơn nữa, bảo tàng còn tiến hành hướng dẫn Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố trong tỉnh về công tác chuyên môn nghiệp vụ, phối hợp nhịp nhàng trong công tác kiểm kê di tích theo quy định của Bộ Văn hóa - Thông tin. Căn cứ trên thực tế, bảo tàng đã lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hoá - Thông tin và tỉnh xếp hạng một số di tích đạt cấp quốc gia và cấp tỉnh. Thông qua công tác đánh giá của bảo tàng, ý thức của người dân về giá trị của các di tích tại địa phương được nâng cao, góp phần xã hội hoá trách nhiệm bảo vệ di tích. Bên cạnh công tác quản lý, bảo vệ di tích, bảo tàng tiến hành sưu tầm tài liệu, hiện vật văn hoá, phục vụ công tác trưng bày, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Trong những năm gần đây, du lịch Lạng Sơn đang ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Để khai thác và phát huy tối đa các địa điểm du lịch này, Bảo tàng tổng hợp tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thu phí tham quan khu di tích danh thắng Nhị, Tam Thanh. Năm 2003, bảo tàng đã tổ chức đón tiếp trên 400 nghìn lượt khách, doanh thu đạt 2 tỷ đồng. Đồng thời, bảo tàng còn là thành viên tích cực tham gia xây dựng chương trình mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế du lịch địa phương trong thời gian trước mắt và lâu dài.

Về công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa: năm 1998 - 2003, Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn đã tiến hành tổng kiểm kê 590 di tích các loại, nhằm kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh. Ngoài ra, bảo tàng đã lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng 19 điểm và khu di tích quốc gia, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh đăng ký bảo vệ 90 điểm, khu di tích cấp tỉnh. Hơn nữa, Bảo tàng tổng hợp tỉnh còn thực hiện các chương trình, dự án chống xuống cấp ở di tích An toàn khu (ATK), huyện Bắc Sơn, Tràng Định; Khu di tích lịch sử Chi Lăng; Khu danh thắng Nhị, Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn) và các đình, đền, chùa trong phạm vi toàn tỉnh. Bảo tàng cũng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng đóng góp sức người, sức của, tôn tạo nhiều di tích trọng điểm với kinh phí huy động lên tới hàng chục tỷ đồng.

Về công tác bảo tàng: Trong những năm gần đây, Bảo tàng tổng hợp tỉnh đã tiến hành khảo sát, sưu tầm, lập hồ sơ khoa học 54 nghìn hiện vật, sưu tầm, chụp ảnh tư liệu, tài liệu khoa học phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày nhà bảo tàng, góp phần đưa những kiến thức và hiện vật văn hoá xưa và nay phục vụ nhu cầu tìm hiểu của người dân địa phương và khách du lịch. Trong đó, bảo tàng đã lập đề cương và thực hiện dự án trưng bày nhà Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn, nhà trưng bày chiến tích Chi Lăng; phối hợp với các nhà bảo tàng Trung ương tổ chức triển lãm, trưng bày lưu động theo chuyên đề nhân các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, quê hương Xứ Lạng, phối hợp với phòng văn hóa - thông tin các huyện, thành phố tổ chức trưng bày, giới thiệu tại các di tích lưu niệm danh nhân như Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (huyện Tràng Định), Nhà lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ tại Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn,... Những hoạt động này đã góp phần nâng cao hiểu biết cho người dân về cuộc đời hoạt động cách mạng và những hy sinh lớn lao của những vị anh hùng dân tộc.

Hệ thống trưng bày bảo tàng Lạng Sơn: Nhà trưng bày Bảo tàng Lạng Sơn được khánh thành vào dịp kỷ niệm 113 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-2003). Đây là nơi trưng bày các bộ sưu tập hiện vật gốc về lịch sử tự nhiên và xã hội của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu lịch sử, văn hóa truyền thống Xứ Lạng của mọi tầng lớp trong và ngoài tỉnh. Nội dung trưng bày của bảo tàng gồm 3 chủ đề chính: "Lạng Sơn - đất nước - con người", "Lạng Sơn trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước", "Những thành tựu và định hướng chiến lược phát triển chính trị, kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng ở Lạng Sơn từ năm 1975 đến nay". Bước vào nhà bảo tàng Lạng Sơn, du khách sẽ có cái nhìn tổng thể về đất nước, con người xứ Lạng và bức tranh kinh tế trong giai đoạn mới. Đây là nguồn cung cấp thông tin vô cùng quý báu với phong cách trưng bày độc đáo, thú vị, hấp dẫn người xem.

Công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học: để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao, Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn luôn chú trọng đến công tác đào tạo cán bộ. Trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức nhiều đợt sưu tầm, nghiên cứu dân tộc học, văn hóa dân gian, tổ chức 7 cuộc khai quật khảo cổ học. Trên cơ sở kế thừa những kết quả nghiên cứu trước đây, phối hợp với Viện Khảo cổ học và các cơ quan nghiên cứu Trung ương, bảo tàng đã bước đầu xác lập được nền văn hóa khảo cổ học hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí có niên đại khoảng 3 - 4 nghìn năm trước, đó là nền văn hóa Mai Pha. Ngoài ra, bảo tàng còn tham gia biên tập, xuất bản nhiều ấn phẩm nghiên cứu chuyên ngành về lịch sử, văn hóa của Lạng sơn với uy tín và chất lượng cao như: "Văn bia Xứ Lạng", "Xứ Lạng Văn hóa và Du lịch", "Văn hóa Mai Pha".

Ghi nhận những thành tích mà Bảo tàng Lạng Sơn đã đạt được, trong giai đoạn 1993 - 2003, Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn và Sở Văn hóa - Thông tin Lạng Sơn tặng nhiều bằng khen cho tập thể và cá nhân xuất sắc. Đặc biệt, năm 2003, Bảo tàng tổng hợp tỉnh đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao Động hạng Ba do Nhà nước trao tặng. Đây là những phần thưởng lớn lao, niềm khích lệ, động viên những người làm công tác bảo tàng, những con người góp phần lưu giữ, phát huy nền văn hoá dân tộc cho lớp lớp con cháu mai sau.

(Nguồn: langson.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *