Bảo tàng & Điểm đến khác

Bảo tàng Hưng Yên

Bảo tàng Hưng Yên: Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống 

Là một địa phương có bề dày lịch sử, tỉnh Hưng Yên còn lưu giữ một khối lượng lớn về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được liên kết như một thể toàn vẹn thông qua hệ thống trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ông Phạm Trung Hiếu, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Từ những năm đầu mới thành lập (1997), vượt qua nhiều khó khăn, Bảo tàng tỉnh đã đẩy mạnh công tác sưu tầm, củng cố cơ sở vật chất, tập trung kiểm kê, bảo quản, chọn lựa hiện vật làm cơ sở cho việc trưng bày sau này. Ngày 2.9.1998 nhà trưng bày của Bảo tàng tỉnh được khánh thành, bố cục gồm ba gian phòng: Phòng I giới thiệu lịch sử hình thành thiên nhiên, mẫu vật, cảnh quan, địa hình đất đai của tỉnh, phía trong là nơi đặt tượng Bác Hồ. Phòng 2 trưng bày về lịch sử xã hội của tỉnh Hưng Yên từ cổ đại đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nhóm hiện vật trung tâm ở đây là trống đồng Động Xá, trống đồng Cửu Cao, rìu đá và đồ đồng thời Đông Sơn, Mộ Hán; những hình ảnh lịch sử thời Hùng Vương, các tướng thời Hùng Vương, các di tích lịch sử thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung; các hình ảnh về di tích và các hiện vật với nhiều chất liệu như: Đồng, đá, gốm từ thế kỷ thứ 18 đến cuối thế kỷ 19, trong đó có phần giới thiệu về sự hình thành và phát triển của Phố Hiến xưa. Phòng 3 giới thiệu lịch sử xã hội của Hưng Yên từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay. Phần này chủ yếu giới thiệu vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xây dựng chủ nghĩa xã hội; trong đó nhấn mạnh giai đoạn sau những năm tái lập tỉnh. Những năm qua, công tác sưu tầm luôn được Bảo tàng tỉnh coi trọng, là công việc mang tính xuyên suốt của hoạt động bảo tàng. Từ năm 1997 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được trên 2 nghìn hiện vật các loại, nhiều hiện vật có giá trị. Trong đó điển hình là bộ sưu tập trống đồng gồm 5 chiếc, trong đó có một chiếc trống đồng Đông Sơn (trống đồng Động Xá), có các họa tiết hoa văn mang đặc trưng của vùng lúa nước như: cặp trâu đang giao duyên và những chú cò đỗ trên sừng trâu, họa tiết thuyền chở những người mặc áo dài sọc dọc, mặt trống có 4 khối nổi không phải là hình con cóc mà là hình con nhái, loài vật có nhiều ở vùng chiêm trũng. Mới đây Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận con tàu cổ dài 30m, rộng 5m được trục vớt dưới lòng sông Hồng về bảo quản tại bảo tàng... nâng tổng số hiện vật ở bảo tàng lên tới hơn 10 nghìn hiện vật.

Hàng năm, trong chương trình bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể, bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện văn hoá thuộc Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch thực hiện bảo tồn một số lễ hội và làng nghề thủ công tiêu biểu như lễ hội cầu mưa ở xã Lạc Hồng, lễ hội làng Nôm thuộc xã Đại Đồng (Văn Lâm); lễ hội đình Quan Xuyên xã Thành Công (Khoái Châu); lễ hội đền Ủng, xã Phù Ủng (Ân Thi); làng nghề làm hương xạ xã Bảo Khê (thành phố Hưng Yên), làng nghề đan thuyền Nội Lễ (Tiên Lữ)... Ngoài phần trưng bày cố định, vào dịp các ngày lễ lớn, Bảo tàng tỉnh phối hợp với các bảo tàng trung ương như: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Bảo tàng cách mạng Việt Nam, Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam... tổ chức trưng bày chuyên đề để phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Từ năm 2004 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu bảo tàng cổ Việt Nam chi nhánh tại Hưng Yên tổ chức trưng bày 3 chuyên đề về cổ vật. Đây là một hoạt động mang ý nghĩa xã hội hóa hoạt động bảo tàng. Thông qua trưng bày cổ vật, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm và được hiến tặng hàng trăm hiện vật có giá trị. Năm 2000 Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Trường đại học quốc gia Hà Nội, Trường đại học Lữ Chiêu Hoà của ToKyo Nhật Bản tiến hành khai quật khảo cổ, thám sát khu vực Phố Hiến; năm 2005 phối hợp với Viện khảo cổ, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á và các chuyên gia người Úc khai quật khu di chỉ Động Xá (Kim Động) và đã phát hiện một quan tài làm bằng thuyền độc mộc. Các chuyên gia cho rằng chiếc thuyền làm quan tài này có thể coi như chiếc thuyền cổ nhất có thể phục hồi được ở Đông Nam Á. Trước đó, năm 2002 Bảo tàng tỉnh đã hoàn thành việc kiểm kê di tích trên 10 huyện thành phố được 1.210 di tích các loại. Năm 2007 được sự hỗ trợ của quỹ Thụy Điển - Việt Nam, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện chương trình bảo tồn sắc phong bằng hình thức chụp ảnh, in vào đĩa CD và được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia với tổng số 2.432 sắc phong của các triều đại... Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành chỉnh lý cho các nhà truyền thống trong tỉnh phục vụ nhân dân thăm viếng trong các dịp lễ, tết ở mỗi địa phương; phối hợp với Ban quản lý di tích tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh và các ngành chức năng xây dựng và trưng bày tại các nhà tưởng niệm danh nhân và các dự án trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn...

Hiện nay Bảo tàng tỉnh đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện đề cương trưng bày, đồng thời tiến hành lập dự án xây dựng nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh cho tương xứng với tiềm năng là tỉnh có bề dày về lịch sử, văn hoá. Hy vọng rằng trong tương lai không xa tỉnh Hưng Yên có một bảo tàng quy mô và tầm cỡ, không chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật lịch sử văn hoá có giá trị mà còn là điểm đến của du khách bốn phương.

(Nguồn: baohungyen.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *