Bảo tàng & Điểm đến khác

Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Gia Lai

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Gia Lai Kon Tum nằm ngay trung tâm thành phố Pleiku là nơi trưng bày các hiện vật quý giá về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không phải ngẫu nhiên mà ở TP Plây Cu (Gia Lai) lại có một Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ðược xây dựng từ năm 1984, trên cơ sở thực hiện ý nguyện chung của các tầng lớp nhân dân các dân tộc Tây Nguyên với ý nghĩa "Không được đón Bác vào thăm thì làm nhà rước Bác vào ở".

Nhà trưng bày hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng để nhân dân các dân tộc Tây Nguyên cùng đồng bào cả nước đến thăm viếng và là nơi giáo dục tư tưởng, đạo đức của Người cho các thế hệ mai sau.

Khởi công ngày 02/9/1982, sau hai năm khẩn trương thi công với sự đóng góp tích cực bằng cả tấm lòng, đúng vào dịp Kỷ niệm lần thứ 94 Ngày sinh của Người (19/5/1984), công trình được khánh thành và đưa vào hoạt động. Nhà trưng bày sau này trở thành Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum và là công trình duy nhất tưởng niệm Bác ở khu vực Tây Nguyên. Từ khi đi vào hoạt động, Bảo tàng không chỉ đón tiếp hàng triệu lượt đồng bào Tây Nguyên, cả nước đến thăm, dâng hương tưởng niệm mà còn vinh dự đón nhiều đồng chí lãnh đạo Ðảng và Nhà nước đến thăm.

Ðồng chí Võ Chí Công khi ấy là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đến thăm Bảo tàng vào ngày 02/6/1988  ghi "...Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Gia Lai - Kon Tum là nơi thể hiện tình cảm sâu sắc của Ðảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và các dân tộc tỉnh Gia Lai - Kon Tum nói riêng với Bác Hồ kính yêu. Ðây là một trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng ở Tây Nguyên; đáp ứng nguyện vọng và tình cảm thiêng liêng của các dân tộc Tây Nguyên đối với Bác Hồ".

Ðến Bảo tàng, ngoài hàng nghìn tư liệu, hình ảnh... về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, người xem còn thấy ở đây có khá nhiều hiện vật, tư liệu, hình ảnh có liên quan tình cảm của Bác đối với đồng bào và tấm lòng của đồng bào đối với Bác, trong số này phải kể đến một tư liệu quý, đó là nội dung bức thư Bác gửi Ðại hội đoàn kết các dân tộc thiểu số miền nam tại Plây Cu ngày 19/4/1946, đã được dịch ra bằng ba thứ tiếng Gia Rai, Ba Na, Xê Ðăng.

Trong thư Bác viết: "Hôm nay đồng bào khai hội, sum họp một nhà thật là vui vẻ. Tiếc vì đường sá xa xôi, tôi không đến dự hội được. Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào.

Ðồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Ðê, Xê Ðăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt...

Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta".

Hằng năm, cứ vào các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm trọng đại, Ngày sinh của Bác, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đến Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum để tưởng nhớ Bác, ôn lại những kỷ niệm, tình cảm mà Bác đã dành cho; để được nghe lại và làm theo những lời dạy của Người, nguyện đoàn kết một lòng kiên quyết chống lại âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, bọn phản cách mạng nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhau chung sức, chung lòng xây dựng quê hương Tây Nguyên ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế, vững về quốc phòng an ninh.

(Nguồn: gialai.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *