Bảo tàng & Điểm đến khác

Bảo tàng biển Viện Hải dương học

Năm 1923, sau khi thành lập, Viện Hải dương học đã liên tục nghiên cứu, bổ sung mẫu vật và thành lập Bảo tàng biển đón khách tham quan. Thời gian trước, Bảo tàng biển nằm ngay dưới tòa nhà chính, sau khi mở rộng mới dời ra ngoài như ngày nay. Hiện nay, Bảo tàng đã có trên 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loại sinh vật biển và sinh vật nước ngọt được sưu tầm, gìn giữ từ nhiều năm, bên cạnh những mẫu vật sống được nuôi thả trong những bể kính. Và sự hấp dẫn chính là đa chủng loại cá biển luôn được bổ sung và được bố trí ở một khu riêng biệt. Trong đó, không hiếm loại cá bạn chỉ nghe kể hoặc xem trên sách báo, phim ảnh.

altMỗi năm, có hàng trăm ngàn lượt du khách đến Bảo tàng ngắm cá biển trong cuộc hành trình đến Nha Trang. Có thể nói, nơi đây là một thế giới cá biển đa dạng và lộng lẫy sắc màu mà bất cứ ai bước chân vào cũng bị cuốn hút. Cũng có thể khẳng định Bảo tàng biển của Viện Hải dương học không thiết kế cầu kỳ như các thủy cung khác ở nhiều nơi, nhưng Viện có lợi thế là một trung tâm nghiên cứu về biển, và Bảo tàng cũng là một phần trong quá trình nghiên cứu đó; do vậy, các loại cá ở đây không chỉ ở vùng biển Nha Trang, mà được sưu tầm từ nhiều nơi đem về, phân loại và nuôi trong các hồ riêng biệt để nghiên cứu khoa học. Đến mỗi hồ cá, bạn sẽ được biết tên khoa học, xuất xứ loại cá và đặc tính sinh trưởng. Thí dụ như loại cá mao tiên, mặt quỷ, cá chình, cá mú hay cá lửa, cá ngựa, cá lau kính… Ngay cả những con cá có tên rất quen thuộc như cá ngựa, cũng sẽ khiến bạn ngạc nhiên khi bắt gặp chúng trong hồ nhiều màu sắc, hay các loại hải quỳ giống như những bông hoa lại là một sinh vật biển kỳ lạ có thể bắt mồi bằng những chiếc vòi mềm mại của mình. Cá mặt quỷ khi nằm im giống như một tảng đá bám dày rong rêu, khó bị địch thủ phát hiện nên còn gọi là cá đá; loại cá này có nhiều chất độc ở gai trên mình để bảo vệ, nhưng thịt lại rất ngon. Cá xà phòng thì nhìn rất đẹp với màu trắng vằn đen, phân bố ở vùng biển Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Úc với loại nước bọt khi tiết ra giống như xà phòng, có chất độc để giết đối thủ khi bị tấn công. Loại cá ép nhìn na ná con cá kèo, trên đầu có hình một chiếc đĩa bám vào các loài cá lớn, vào các con rùa và cũng là con cá nguy hại khi chúng bám vào vỏ tàu…
altKhông gian của khu vực trưng bày cá biển của Viện Hải dương học khá thuận lợi cho du khách viếng thăm. Bước chân qua cổng soát vé là gặp ngay hồ cá lớn, có thể ngắm nhìn chúng một cách thoải mái. Sau đó vào các hồ cá bên trong, mỗi hồ một loại cá khác nhau. Cá biển ở đây được bổ sung liên tục, cho nên dẫu đã từng tới, bạn vẫn có thể quay lại để bổ sung kiến thức. Cũng tại đây, khách sẽ nhìn thấy cỏ biển. Cỏ biển chẳng khác gì cỏ ở trên bờ, khác chăng là chúng sống dưới nước, đó cũng là khám phá thích thú. Và rồi một khu vực giới thiệu rừng ngập mặn cũng đã có trong Bảo tàng.

Hiện khu B của Bảo tàng đã có thêm một không gian thủy cung để khách có thể đi vòng theo ô kính mà ngắm từng đàn cá bơi lội. Trong tương lai, một khu vực trưng bày khác sẽ được hình thành trong lòng núi. Nơi đó, sẽ có cả ngàn loại cá được nuôi phục vụ nhu cầu tìm hiểu và nghiên cứu.

(Theo baokhanhhoa.com.vn)

 

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *