Ẩm thực Việt Nam

Thịt đông miền Bắc

Mâm cỗ Tết miền Bắc xưa thường gồm 4 bát và 8 đĩa. Mỗi bát, đĩa là một món ăn. Trong đó, bát là những món ăn nóng thường là: bát canh bóng, bát miến nấu lòng gà, bát canh măng...;

8 đĩa thường là những món ăn nguội như: thịt bò hoặc thịt lợn xào với hoa lơ, đĩa xôi gấc hoặc xôi đậu xanh, nộm xu hào, thịt đông, bánh chưng, dưa hành, đĩa gà luộc vàng rắc trên lá chanh thơm, khoanh giò lụa, giò thủ với vị giòn thơm của miếng mộc nhĩ và nấm hương... Tùy thuộc mỗi nơi và hoàn cảnh từng gia đình mà mâm cỗ Tết của người Bắc được thêm bớt vài món.

Do đặc điểm khí hậu của miền Bắc có không khí lạnh nên người dân miền Bắc có món ăn "tủ" mà người dân miền Trung và miền Nam không có được đó là món thịt đông. Thịt đông miền Bắc là một món ăn khá độc đáo, chỉ ăn được khi đã để nguội lạnh,  thường ăn vào những ngày đông giá và vào lúc xuân sang. Nó càng độc đáo khi chẳng ai lý giải tại sao mùa lạnh lại ăn một món nguội lạnh như thế.

Trong những ngày cuối năm bộn bề với trăm thức phải mua cho ngày Tết, người phụ nữ miền Bắc không quên chuẩn bị nguyên liệu cho món thịt đông. Nguyên liệu để nấu thịt đông đơn giản từ thịt lợn, chủ yếu dùng thịt chân giò. Các gia vị cần chú ý là mộc nhĩ và hạt tiêu và một thứ không thể thiếu là bì lợn (nếu thiếu thì khó có thể nấu thịt đông). Nồi nước ấm đã chuẩn bị sẵn sau đó cho thịt, bì lợn rồi nêm muối, hạt tiêu, mì chính, cho nước mắm ngon. Khi nồi thịt đông sôi được một lúc, phải chú ý hớt sạch váng bọt trên nồi. Rồi lửa thổi lom dom hầm nhừ cả thịt lẫn bì. Mộc nhĩ thái nhỏ, bột tiêu cho vào, bắc ra. Những cánh hoa cà rốt tỉa sẵn được đặt vào bát nhỏ và múc thịt vào đó để nguội là ta đã được món thịt đông. Cầu kỳ hơn nữa là đặt những bát thịt đông vào chiếc mâm, chờ sương lạnh buông xuống thì bưng ra đặt ở ngoài sân. Theo như người xưa, làm như thế để món ăn hấp thụ khí lạnh, sương giá của khoảnh khắc trời đất giao mùa mới có được tinh nguyên của vũ trụ.

Dù là cỗ Tết xưa hay Tết nay, món thịt đông vẫn luôn được các mẹ, các chị chuẩn bị chu đáo. Bề mặt của thịt đông trong, bên trong là những miếng thịt thơm ngon, sợi mộc nhĩ khi ăn giòn tan trong miệng. Ăn thịt đông cùng với bánh chưng, hoặc với cơm thêm dưa hành là đủ cảm nhận hết hương vị của ngày Tết.

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *