Ẩm thực Việt Nam

Rượu làng Vân (Bắc Giang)

Về xã Vân Hà huyện Việt Yên, Bắc Giang hình ảnh đầu tiên chúng ta bắt gặp là đôi câu đối được viết trên cổng làng: Hương Vân mỹ tửu lừng biển Bắc. Chiến thắng Như Nguyệt rạng trời Nam.

Những chiếc thùng phi, chum rượu lớn được xếp dọc đường làng. Bước qua chiếc cổng cổ kính này là ta đến với một vùng văn hóa cổ lừng danh với nghề nấu rượu - đó là rượu làng Vân.

Trên thế giới có hàng trăm loại rượu ngon và nổi tiếng, được nhiều người biết đến, như: rượu Boóc đô, rượu Naponenon hay Wishky…Ở Việt Nam mỗi địa phương lại có một loại rượu đặc sản, mang những hương vị đặc trưng riêng của từng vùng miền, như rượu Shan Lùng (Lào Cai), rượu Mẫu Sơn (Lạng Sơn), rượu Cần (Hòa Bình), rượu ngô (Hà Giang), rượu Bàu Đá (Bình Định)… Từ lâu, rượu Làng Vân là thứ đặc sản và trở thành một thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, một thứ quà tặng mà mỗi khi có dịp về thăm vùng Kinh Bắc, người ta đều muốn mua về làm quà biếu bạn bè và những người thân trong gia đình.

Dưới các triều đại phong kiến, rượu Vân là lễ vật để dâng lên vua chúa và thường xuyên được sử dụng trong những buổi yến tiệc ở chốn cung đình.

Vân hương mỹ tửu” là 4 mỹ tự còn lưu truyền trong nhân dân, do vua Lê Hy Tông năm Chính Hòa thứ 24 (1703), đã sắc phong cho sản vật lừng danh hàng trăm năm qua ở xứ Kinh Bắc - rượu Làng Vân.

Để chế biến ra những giọt rượu Vân thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Nguyên liệu chính để làm rượu là gạo, phải là loại gạo nếp cái hoa vàng, thứ gạo đặc biệt thơm. Gạo được đem nấu chín thành cơm, rồi trộn đều cùng một thứ men bí truyền của làng Vân, công đoạn này gọi là ‘‘ủ men”. Cơm rượu cho vào thúng ủ lên men sau đó bỏ vào chum ngâm trong khoảng 72 giờ, rồi đưa lên bếp nấu. Người Vân Hà vẫn luôn tự hào vì được sở hữu sản phẩm rượu nổi tiếng này. Họ cho rằng rượu Vân thơm ngon, hấp dẫn không chỉ bởi ở loại gạo nếp cái hoa vàng, hay ở thứ men gia truyền đặc biệt có 35 vị thuốc bắc, mà một phần còn vì nơi đây có nguồn nước được lấy từ các giếng khơi trong làng, nước như một thứ quà tặng của đất trời ban cho làng Vân, nước ngon, tinh khiết và rất thích hợp với việc nấu loại rượu này.

Cứ đời này truyền đời khác, người làng Vân luôn ý thức cần phải bảo lưu nghề truyền thống này của ông cha. Để giữ bí quyết của nghề nấu rượu, ngay từ xa xưa, trong gia đình, cha mẹ chỉ truyền nghề cho con trai và con dâu. Tập tục này được tuân thủ nghiêm ngặt và như là một điều thề ước lâu đời ở làng Vân. Vì vậy, xưa có câu ca dao:

‘‘Trời mưa cho ướt lá khoai

Đố ai lấy được con trai Thổ Hà

Trời mưa cho ướt lá cà

Đố ai lấy được đàn bà Vạn Vân”.

Vậy nên, không những không bị mai một, mà nghề nấu rượu ở làng Vân ngày càng được mở rộng phát triển, thị trường tiêu thụ không chỉ ở trong nước mà đã xuất khẩu sang cả nước ngoài. Các con tàu cập bến Thổ Hà chở rượu Vân đi bán khắp nơi. Các loại sản phẩm rượu Vân ngày càng thêm phong phú gồm nhiều chủng loại để cho khách hàng lựa chọn, như: rượu nếp cái hoa vàng, rượu gạo tẻ, rượu sắn, rượu vodka, rượu nếp hạ thổ...

Hiện nay, vì lợi nhuận kinh tế nên nhiều vùng nấu rượu không còn giữ được quy cách chế biến truyền thống như việc sử dụng các loại men từ Trung Quốc, men hóa học hay pha chế lẫn với cồn…làm người uống thường có cảm giác đau đầu, chóng mặt và khó chịu. Nhưng nếu đã một lần thưởng thức rượu làng Vân, chắc hẳn thực khách sẽ không thể quên được hương vị đậm đà, êm dịu và thơm lừng, một hương vị đặc trưng riêng của nó. Tiếng lành đồn xa, đó cũng chính là lý do mà rượu làng Vân được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Thương hiệu rượu Vân đã đượcghi nhận trên mọi miền tổ quốc và một số nước trên thế giới.

Người làng Vân hiếu khách, trọng tình, trong mỗi gia đình ở đây luôn có một chum rượu đầy để dùng trong nhà, để đãi khách quý và làm quà tặng. Mỗi khi có khách đến chơi nhà, người làng Vân lại mang thứ rượu đặc sản của quê hương mình ra mời khách.

Không chỉ là nơi sản xuất ra loại rượu thơm ngon và nổi tiếng nhất vùng, làng Vân Hà, huyện Việt Yên còn là một vùng quê có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa, còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa của một làng Việt cổ, với những mái đình, mái chùa cổ kính, rêu phong, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình đã cho chúng ta thấy một không gian văn hóa của nông thôn xưa ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Về Vân Hà bạn sẽ được thưởng thức đặc sản rượu làng Vân, thực sự cảm thấy mình ‘‘say” không chỉ bởi những ly rượu mềm môi, thơm nồng mà du khách còn “say” trong những làn điệu dân ca quan họ mượt mà đằm thắm của các liền anh, liền chị bên bờ bắc sông Cầu. Uống rượu và hát quan họ là nét văn hóa truyền thống của người làng Vân. Mỗi khi nâng chén mời nhau ly rượu người làng Vân lại ý tứ và kín đáo bằng việc hát những câu dân ca quan họ để tỏ lòng chân thành của người mời rượu, đó cũng là nét văn hóa đặc trưng của con người vùng Kinh Bắc.

(Nguồn: Sở VH,TT&DL Bắc Giang)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *