Ẩm thực Việt Nam

Lá é cá trích - Tây Nguyên

Gọi món ăn độc đáo là theo cái "cảm" của người Kinh, của người dân tộc khác, còn với người dân tộc Jrai vùng Cheo Reo - Phú Bổn (nay là Ayunpa) thì đây chỉ là món ăn đơn giản thường ngày.Món ăn được làm công phu nhưng nguyên liệu lại rất đơn giản, chỉ là cá từ dòng suối trong, lá từ cây rau dại... Chẳng thế mà nó trở nên lạ, độc đáo và... rất ngon!

Họ bắt cá trích nơi các dòng suốt nước trong văn vắt, mang về xâu lại thành từng xâu, phơi hơi se se rồi gác trên chài bếp, chỗ gần bếp lửa. Khói và hơi nóng hàng ngày sẽ làm thịt cá chắc lại và có mùi khói ám rất lạ.

Cá trích đã khô đem nướng trên lửa than riu riu, cứ nướng một mặt chứ đừng trở nhiều - khác với cách nướng của người Kinh là trở đều hai mặt trong suốt quá trình nướng. Khi cá đã cháy sém một bên, người ta mới lật qua mặt còn lại nướng tiếp. Có thể nói, mọi nguyên liệu và dụng cụ để thực hiện món cá này đều đơn giản đến đáng ngạc nhiên, ngay cả phần vỉ nướng. Người Jrai không dùng vỉ nướng cá mà lấy thân tre chẻ ra như những cái nẹp, kẹp cá rồi dùng chính lạt tre cột ở hai đầu và nướng.

Lá é là loại lá có mùi hương và dáng lá hơi giống rau húng quế của mình nhưng vị nồng hơn và cành cũng như lá nhỏ hơn, khi nhấm thử trong lưỡi thì cả hương lẫn vị đều đậm đà, thơm hơn rau quế. Hiện nay người Kinh có lai tạo và cho trồng ở vườn rau nhưng không có hương vị bằng. Lá có mầu xanh biếc, dáng lá nhỏ như những lá quế còn non.

Khi dùng, lá é được phơi cho héo khoảng 50%, thấy lá sầu sầu là được. Khi đã héo, lá rũ xuống, người ta tước lá khỏi cọng (có người tiếc, dùng cả cọng nhưng cũng không ngon vì cũng chẳng có hương vị gì). Khi cá đã chín vàng đều, gỡ bỏ ruột, xương, da cá. Thịt cá xé nhỏ, cho vào cối cùng với lá é phơi héo và giã. Khi giã, cho muối hột vào từ từ và giã đến khi lá, cá và muối quện vào nhau, sau cùng thì cho ớt khô và cọng cỏ ngọt.

Cỏ ngọt cũng là một loại lá cỏ rất đặc biệt của vùng Tây nguyên, chỉ có vào tháng 10 - 11 hàng năm. Lá cỏ lớn hơn lá cỏ gấu. Vào mùa, cỏ nhiều, người Jrai hái và đem phơi khô rồi cứ gác ở chái bếp để dùng quanh năm, khi nhấm thử, vị của lá như bột ngọt nhưng lại là vị ngọt rất tự nhiên. Sau khi phơi khô, người Jrai lấy và giã nhiều lần cho thành bột rồi cất đi để riêng, lúc nào dùng sẽ lấy ra để nêm nếm món ăn, hoặc trộn chung với lá é, cá trích. Thông thường, chỉ khi nào có khách quý người ta mới dùng đến loại cỏ này. Bây giờ đa phần họ dùng bột ngọt thay cho cỏ ngọt, tuy nhiên trong nhà bao giờ cũng trữ một ít bột cỏ khô để dành khi cần đãi khách.

Lá é cá trích thường được dọn với cơm dẻo, dùng như muối mè của người Việt, không phải là gia vị chấm. Gạo để nấu cơm là gạo nương, hạt thô, màu hơi xám, mới nhìn như gạo cũ và có vẻ như mốc, nhưng không phải vậy. Khi nấu, nếu là gạo mới thì rất dẻo, dẻo như cơm nếp. Khi cũ, gạo sẽ se hạt, tựa như gạo thơm dẻo của người Kinh. Dọn kèm món ăn này là những món thịt rừng nướng, nhất là thịt bò nướng theo kiểu Jrai, rất ngon.

Không phải là một món ăn cao sang, cũng không có một tên gọi hoa mỹ, lá é cá trích mộc mạc như bản chất của người dân tộc thiểu số. Món ăn tuy không đẹp nhưng khi ăn, để lại trong lòng khách một cảm giác thật ngon, ngon vì lạ và ngon vì chính bản chất bình dị, tự nhiên của món ăn...

Nguồn: website dulichnet

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *