Ẩm thực Việt Nam

Hẹ nước Đồng Tháp

Vào mùa nước nổi, người dân khu vực Đồng Tháp Mười lại bận rộn với công việc mưu sinh như: chài, lưới, giăng câu, hái bông điên điển, bông súng...

Những năm gần đây, do nhu cầu ẩm thực có xu hướng quay về với thiên nhiên, đồng nội thì công việc mưu sinh mùa nước nổi lại càng sôi động hơn. Việc khai thác những tài nguyên sẵn có vào mùa này như trẩy hội, thu hút đông đảo người dân tham gia với đủ mọi thành phần, lứa tuổi.

Hẹ nước thuộc nhóm cây hoàn toàn thủy sinh, vì chúng không thể tồn tại được trong mùa khô. Vì vậy, ta thường thấy chúng mọc trong những vùng thường xuyên ngập nước, tạo nên những khoảng dày đặc, thích nghi trên vùng đất phèn Đồng Tháp Mười. Chúng có mặt hầu như quanh năm trên những dòng kinh nội đồng, nhưng sinh trưởng mạnh vào mùa nước nổi. Giống như các loài thủy sinh khác, hẹ nước tiến hóa bằng cách sinh sản theo hiện tượng thụ phấn thích ứng. Hoa đực nở dưới nước nhưng chúng nhẹ hơn nước nên lập tức nổi lên trên bề mặt. Trên đó chúng kết hợp với hoa cái thường được hỗ trợ bởi cái cuống thật dài. Vì thế, sự thụ phấn xảy ra không nhờ côn trùng mà do dòng nước mang phấn tới hoa cái.

Hẹ nước có hương thơm rất đặc trưng, gần giống với rong đuôi chồn, lá có hình dải lụa rộng khoảng một phân và màu sắc rất đa dạng tùy theo từng giống, từng loài. Có lúc ta bắt gặp những bụi hẹ có màu lá xanh sẫm hoặc đỏ sẫm. Hẹ mọc dưới kinh thì lá dài có khi cả mét, to bản, hẹ mọc trên ruộng thì ngắn hơn, trung bình từ 3 đến 5 tấc, lá nhỏ nhưng tất cả đều có một điểm chung là xốp và giòn. Chính vì những đặc điểm này mà nó trở thành món rau đặc sản của vùng phèn Đồng Tháp Mười, không thể thiếu được trong bữa cơm với nồi lẩu mắm khi con nước tràn đồng.

Xưa nay ăn mắm kho hay lẩu mắm, đi kèm theo là cả một "vườn" rau dại, nhưng có người cho rằng thiếu sự hiện diện của hẹ nước thì coi như nồi mắm "bỏ đi". Hẹ nước đem bán ngoài chợ, người ta đã cắt bỏ gốc, rễ. Trước khi ăn, đem ngâm hẹ vào thau nước khoảng nửa tiếng cho nó "nhả" phèn, dạo nhẹ tay lại vài ba bận cho thật sạch là được. Cái ngon của hẹ nước chấm mắm kho đặc biệt ở chỗ càng nhai càng nghe ngọt, nghe bùi. Cái ngọt, cái bùi của hẹ nước đã thắm tình, nặng nghĩa phù sa sông nước Cửu Long.

Nguồn: website Tiền Giang

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *