Ẩm thực Việt Nam

Cá rô mề núi - An Giang

Chung quanh núi Cô Tô là một vùng đồng bằng rộng lớn lắm cá tôm. Loại cá nhiều nhất ở vùng nầy là cá sặt, cá rô. Buổi chiều khi mặt trời vừa xế bóng ở phía Tây Phụng Hoàng Sơn (Cô Tô), du khách có thể ghé vào một quán ăn nào đó để vui thú ẩm thực. Dọc theo con đường chừng 1km vào hồ Soài So dưới chân núi Cô Tô có rất nhiều hàng quán.

Lẩu chua bông súng cá rô đồng là một món ăn độc đáo của vùng bán sơn địa Tri Tôn. Nồi lẩu được nấu bằng nguyên liệu tươi sống tại chỗ rất hấp dẫn. Cá rô có thịt ngọt, thơm, béo... bán đầy ở các chợ. Mùa mưa, mùa nước nổi, cá rô theo nước lên đồng tìm thức ăn. Nông dân giăng lưới, đặt lọp bắt được rất nhiều. Cá lớn chừng non ba ngón tay khép lại trở lên, được gọi là cá rô “mề”, loại nầy đạt chất lượng nhất.

Người ta lấy chừng khoảng 8 con cá rô mề, đánh sạch vảy, bỏ ruột, chặt vi, móc mang, để nguyên con. Rau ăn lẩu chua cá rô đồng rất phong phú như: đậu bắp, rau muống đồng, cù nèo, rau nhút, bắp chuối, giá sống, cần ống... Nhưng loại rau chủ yếu của nồi lẩu này vẫn là bông súng đồng. Bông súng mọc hoang rất nhiều ở các bưng, đìa, ao, vũng... Cọng bông súng tước bỏ vỏ, cắt đoạn chừng 10cm cho dễ ăn. Có thể nấu canh chua cá rô với me, với bần, với trái giác, nhưng ngon nhất vẫn là cơm mẻ tán nhuyễn.

Cá rô thả vào nồi lẩu vừa chín vớt ra dĩa, dẽ thịt của cá chấm với nước mắm ngon nguyên chất. Rau nhúng vào nồi lẩu sôi liu riu vớt ra ngay. Lẩu ăn với bún hoặc cơm. Thịt cá rô thơm béo, bông súng nhúng vừa tới giòn sựt sựt, nước lẩu vừa chua vừa sem sém cay, kích thích khẩu vị thực khách, ăn xuất mồ hôi “giải nghể” mới thấy... đã!

Nguồn: website báo Cần Thơ

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *