Ẩm thực Việt Nam

Bánh Tày nồng ệp của người Sán Dìu

Tên vừa dài, vừa khó nhớ, nhưng chỉ ăn một miếng bánh Tày nồng ệp của người Sán Dìu, đảm bảo người ta sẽ nhớ ngay hương vị. Cũng chỉ từ gạo nếp, đường phên, đồng bào người Sán Dìu không biết từ bao giờ đã làm ra một món ăn độc đáo.

Người Sán Dìu sinh sống đông đúc ở Thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả, huyện Vân Đồn… (tỉnh Quảng Ninh) và rải rác nhiều khu vực miền núi phía Bắc. Bên cạnh những đặc sắc khác, văn hóa ẩm thực của người Sán Dìu được yêu thích bởi những món ăn dân dã, nhưng rất dễ ăn và ăn ngon.

Làm bánh Tày nồng ệp lách cách qua nhiều công đoạn, nhưng như những tâm sự của phụ nữ làm bánh, đó mới là một cách thể hiện tấm lòng với trời đất, tổ tiên. Bột nếp 7 phần, bột tẻ 3 phần trộn đều cùng lạc rang giòn, tách đôi. Thiếu bột tẻ, bánh không bao giờ thành công vì nó sẽ quá dẻo, dính. Đường phên (loại đường làm từ mật mía cô đặc thành bánh) phải cạo mỏng rồi đun chảy.

Người làm bánh giỏi phải là người căn đủ lượng nước sẽ nhào đủ số bột để nước đường không thừa, không thiếu. Nước đường muốn thật thơm, cho bánh ngon còn phải có nước cốt từ củ gừng tươi. Công đoạn khó nhất của làm bánh Tày nồng ệp là khuấy bột. Người ta đổ từ từ nước đường đã đun sôi vào nồi bột, quấy mạnh, nhanh tay để bột không vón cục mà phải nhuyễn, thật sánh như bột cho trẻ con ăn dặm.

Bánh tày nồng ệp hấp cách thủy chứ không chiên, nấu. Bột khuấy xong, cho vào khuôn, đưa lên xửng hấp. Người ta lót lá chuối vào xửng, tùy gia chủ thích bánh nhỏ, bánh lớn mà làm khuôn khác nhau. Hấp bánh đến khi thấy xiên đũa vào mà bột không dính, đó là lúc bánh chín.

Từ xửng lấy ra, bánh có màu vàng nâu của đường phên, mặt bánh là lạc, vừng loáng thoáng, nhìn đẹp mắt, chưa cần ăn thử đã có thể đoán cái dẻo, mát của món bánh lạ. Trẻ con thường ngóng chờ nhất lúc xem người lớn lấy bánh. Khói ngào ngạt, nước gừng thơm lừng, những đôi mắt háo hức mong có một chiếc xấu nhất để được cho, rồi cùng tranh nhau nếm thử.

Tày nồng ệp không phải thức quà cho người “nóng ruột”. Bánh không ăn ngay, mà ngon nhất phải sau đó nửa ngày, đến cả ngày. Vì khi nguội, bánh khô lại, ăn mới đưa miệng mà không ngán.

Ngày giỗ chạp, lễ Tết trong nhà người Sán Dìu không thể thiếu bánh tày nồng ệp. Bánh được trẻ em, người già rất thích vì sự dẻo mềm, ngọt ngào. Mùa đông, bánh để cả tuần sau Tết vẫn không hỏng mà cứng đanh lại, người ta cắt tày nồng ệp đem chiên. Trái với cái giòn giòn của vỏ bánh, bên trong bánh là cái mềm, dẻo đặc trưng. Chút cay của gừng, chút bùi của lạc, vừng, sự ngọt đậm của đường phên, món bánh trở thành thức quà khoái khẩu những ngày đông lạnh.

Bánh tày nồng ệp hôm nay trở thành món ăn lạ, hấp dẫn khách du lịch khi đến thăm Hạ Long, đền Cửa Ông, Cẩm Phả. Chẳng bà nội trợ nào hiểu rõ tên gọi lạ kì của món ăn ngon, chỉ biết rằng từ tay người Sán Dìu, món ăn đó đến nay đã chiếm được cảm tình của những người lần đầu thưởng thức.

(Nguồn: Báo Lao Động)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *