Ẩm thực Việt Nam

Bánh tai - Phú Thọ

Ông cha ta ngày xưa thường dựa vào phương pháp chế biến, tính chất hay hình dáng của các loại bánh để đặt tên cho nó. Ví như bánh gừng có hình củ gừng của người Chăm (Bình Thuận), bánh răng bừa có hình răng bừa ở Văn Giang (Hưng Yên), hay bánh chưng, bánh giày, bánh dẻo, bánh nướng…

Và bánh tai - một đặc sản nổi tiếng của Phú Thọ cũng là một loại bánh được đặt tên theo cách này.Nhìn chiếc bánh dẻo thơm và đơn giản nhưng để có được những chiếc bánh ấy là cả một công đoạn làm bánh công phu, khéo léo mà không phải ai cũng làm ngon được.

Sở dĩ có tên là bánh tai vì hình dáng chiếc bánh khi hoàn thành rất giống với tai. Nguyên liệu để làm món bánh tai rất đơn giản, chỉ cần gạo tẻ, thịt lợn và gia vị là có thể làm được. Muốn có được chiếc bánh ngon thì phải chọn loại gạo trắng, dẻo, thơm để khi bánh chín có màu trắng muốt, dẻo, ngon.

Gạo đem đãi sạch rồi ngâm đến khi nào cầm hạt gạo ở 2 đầu ngón tay ve thấy gạo vỡ vụn là được. Sau khi ngâm gạo nhừ thì đem giã hoặc xay nhỏ. Tiếp đó nắm bột gạo đã giã nhuyễn thành từng nắm cho vào nồi nước đun sôi. Trong khi đun để lửa liu riu và lửa đều khoảng 15-20 phút.

Vớt nắm bột ra và cho vào cối giã nhuyễn, rồi lấy tay nhào nặn bột cho bột dẻo đều. Đây là một trong những công đoạn quyết định đến chất lượng và sự dẻo thơm của bánh. Phải là người có nhiều kinh nghiệm làm bánh thì nhào bột mới dẻo và ngon được.

Bột sau khi đã nhào kỹ thì đem nặn bánh với nhân thịt. Nhân bánh làm bằng thịt nạc vai băm nhỏ trộn với hành khô, hạt tiêu, mì chính, bột canh. Để nhân bánh ngon hơn thì có thể trộn thêm ít mỡ hoặc băm lẫn một chút thịt mỡ để nhân bánh béo hơn. Ngoài ra, mỡ sẽ giúp những chiếc bánh không bị dính vào nhau. Bánh nặn xong thì cho vào nồi hấp khoảng 30 phút là chín.

Nước chấm cũng khá quan trọng để tạo nên hương vị bánh. Nước chấm bao gồm nước mắm, đường, ớt, tỏi, chanh, vị mặn và cay nhiều hơn. Bánh làm bằng bột gạo tẻ nên rất dễ ăn, không ngấy mà lại mát, giòn, dẻo, bánh màu trắng trong, có độ bóng rất bắt mắt. Ăn vào có vị thơm của hành, béo ngậy của thịt nạc, dẻo và bùi của bột gạo.

Bánh tai là một đặc sản mà hầu như làng quê Phú Thọ nào cũng có, đặc biệt là thị xã Phú Thọ, nơi có nhiều bánh tai và bánh làm cũng ngon nhất. Đây được cọi như một thứ quà quê dân dã, đậm chất quê của đất Tổ gửi tới những du khách gần xa khi có dịp về đây tham quan.

(Nguồn: Báo Lao Động)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *