Ẩm thực Việt Nam

Bánh đúc om chua – Hà Nội

Trong mâm cỗ ngày Rằm tháng tám, bên cạnh những lễ vật không thể thiếu như mâm ngũ quả, bánh nướng, bánh dẻo, cốm làng Vòng…nhiều gia đình Hà Nội vẫn tự làm thêm thức quà rất đặc biệt đó là “bánh đúc om chua”.

Ở những phố phường Hà Nội, ngày thường bánh đúc có thể dễ dàng mua ăn sáng hay ăn chơi. Bánh đúc với đủ loại: bánh đúc chấm tương, bánh đúc chan riêu cua, rau thơm, bánh đúc chấm mắm tôm, mật ong, mật mía thậm chí cả cá kho, thịt kho. Nhưng món bánh đúc om chua thì chỉ có đất Bưởi Hà Thành ngày Tết trung thu, khi mỗi gia đình tự tay làm mới có.

Trong kí ức của nhiều người dân đất Bưởi Hà Thành, đêm rằm Trung thu thường có cúng chay và cúng mặn. Nếu là cúng mặn, ngoài xôi, gà, các món xào, luộc thì không thể thiếu bánh đúc om chua, đây được xem là món truyền thống của mỗi gia đình, nếu thiếu thứ hương vị đặc trưng ấy, mâm cỗ đêm rằm đất Bưởi như thiếu đi một dư vị truyền thống.

Để làm được món này, các bà các mẹ phải chuẩn bị bánh đúc từ hôm trước, còn ngan om thì sáng ngày rằm mới chế biến. Theo kinh nghiệm, cả năm mới có ngày rằm tháng tám, nên thứ gạo chọn làm bánh đúc phải  là loại gạo tẻ ngon, thơm rồi xay thành bột trắng trong. Khâu quấy bánh cũng đòi hỏi phải khéo kéo, vừa quấy đều tay vừa cho thêm nước vôi trong, chút nước lá gừng để khi bánh chín có màu phớt xanh và thơm mùi lá gừng. Ngoài ra, bánh đúc ngon hơn có thể cho thêm cùi dừa giã nhỏ, nhưng đặc biệt phải có bí quyết cho nước vôi. Thiếu vôi thì bánh sẽ nát, thừa vôi thì bánh nồng. Thứ bánh đúc ngon phải hài hòa tất cả hương vị ấy, bánh chín đặc quánh thì đổ ra cái bát con, sau khi se lại thì trút vào mẹt hay mâm lót lá chuối để nguội.

Góp phần làm nên món bánh đúc om chua ngon là phải kể đến nồi ngan chua. Thường vào sáng hôm rằm, các bà các mẹ mới ra chợ mua ngan. Nồi om chua cần chặt ngan thành các miếng nhỏ rồi ướp với mắm tôm, mẻ, lạc, cùi dừa thái mỏng, mộc nhĩ, tiết ngan và rau răm. Đổ thêm chén rượu vào xâm xấp nồi, ướp khoảng nửa tiếng rồi tra thêm nước mắm, muối, gia vị. Ninh nồi ngan chua cho đến khi mùi thơm nghi ngút, nước om có màu nâu, sanh sánh là được.

Khi cả gia đình quay quần quanh mâm phá cỗ, các bà các mẹ mới bắt đầu xắt nhỏ miếng bánh đúc vào bát, rồi chan nước om chua nóng hổi, gắp miếng thịt ngan, mộc nhĩ. Miếng bánh đúc mát rượi, thơm vị vôi, thơm mùi lá gừng, sừn sựt của dừa, béo ngậy của thịt ngan chua, tất cả hòa quyện vào nhau ăn đến thỏa lòng.

Còn gì thi vị và ấm cúng hơn, khi cả gia đình quay quần bên mâm cỗ đêm rằm, cùng ngắm trăng, cùng phá cỗ, cùng thưởng thức hương vị ngày lễ truyền thống.

(Nguồn: website báo Lao Động)


Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *